Thông báo rút kinh nghiệm về vụ án “Tranh chấp thừa kế tài sản”

20/5/2020 | 0 | 0

Nội dung vụ án: Vợ chồng cụ Nguyễn Văn A và cụ Đàm Thị B sinh được 05 người con là ông Nguyễn Văn C, ông Nguyễn Văn D, ông Nguyễn Văn E (chết năm 1990, không có vợ con), ông Nguyễn Văn G và bà Nguyễn Thị H. Ngoài ra, cụ Nguyễn Văn A còn chung sống như vợ chồng với cụ Đàm Thị P và sinh được 01 người con là bà Nguyễn Thị T. Cụ A chết năm 1978, cụ B chết năm 1998, không để lại di chúc. Di sản hai cụ để lại là quyền sử dụng hai thửa đất 122 và 235 tại thôn Y, xã Đ, huyện G, tỉnh B. Sau khi hai cụ chết, ông Nguyễn Văn D cùng vợ và các con sinh sống trên hai thửa đất trên. Ngày 02/01/2002, Ủy ban nhân dân huyện G cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) đối với hai thửa đất 122 và 235 với tổng diện tích 732m2 cho hộ ông Nguyễn Văn D, song quá trình kê khai làm thủ tục cấp GCN, không được sự đồng ý của ông C và ông G. Năm 2012, vợ chồng ông D làm 01 ngôi nhà cấp 4 và ở trên thửa 235, còn ngôi nhà 5 gian trên thửa 122 giao lại cho ông C quản lý. Do không thỏa thuận được việc chia di sản thừa kế nên ông C và ông G khởi kiện yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế đối với quyền sử dụng đất tại thửa 122, thửa 235 và yêu cầu hủy GCN do Ủy ban nhân dân huyện G cấp đối với thửa 122, thửa 235 cho hộ ông Nguyễn Văn D.

Bản án dân sự sơ thẩm số 04/2019/DS-ST ngày 18/01/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh B quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia thừa kế tài sản của ông Nguyễn Văn C và ông Nguyễn Văn G. Xác nhận di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn A và cụ Đàm Thị B để lại gồm quyền sử dụng thửa đất số 122 diện tích 223,1m2 và thửa đất số 235 diện tích 413,2m2. Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nguyễn Văn A gồm: cụ Đàm Thị B, ông Nguyễn Văn C, ông Nguyễn Văn D, ông Nguyễn Văn G, bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị H; hàng thừa kế thứ nhất của cụ Đàm Thị B gồm: ông Nguyễn Văn C, ông Nguyễn Văn D, ông Nguyễn Văn G, bà Nguyễn Thị H. Ghi nhận sự tự nguyện của bà Nguyễn Thị T cho ông C được hưởng toàn bộ phần di sản mà bà T được chia và sự tự nguyện của bà Nguyễn Thị H tự nguyện chia đều phần di sản bả H được hưởng cho ông C, ông D và ông G. Giao cho ông Nguyễn Văn C được quyền quản lý, sử dụng thửa đất số 122 và được nhận tiền trích trả giá trị chênh lệch quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Văn D là 80.355.000 đồng, của ông Nguyễn Văn G là 80.355.000 đồng. Giao cho ông Nguyễn Văn D được quyền sử dụng, định đoạt ½ thửa đất 235 diện tích 206,6m2. Giao cho ông Nguyễn Văn G được quyền quản lý, sử dụng phần còn lại của thửa đất 235. Hủy GCN của Ủy ban nhân dân huyện G cấp cho hộ ông Nguyễn Văn D đối với thửa đất số 122 và 235.

Ngày 24/01/2019, ông Nguyễn Văn D kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Ngày 08/10/2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm, tuyên hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm nêu trên để giải quyết lại theo quy định của pháp luật.

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:

Thứ nhất, Tòa án cấp sơ thẩm xác định di sản thừa kế không đúng. Di sản thừa kế mà cụ A và cụ B để lại là quyền sử dụng hai thửa đất 122 và 235, tờ bản đồ số 9 với tổng diện tích 732m2. Tuy nhiên, năm 2017 Nhà nước đã thu hồi 66,1m2 tại thửa 122, bồi thường số tiền 436.260.000 đồng và thu hồi 81,8m2 tại thửa 235, bồi thường số tiền 539.880.000 đồng. Bản án sơ thẩm xác định di sản thừa kế gồm quyền sử dụng 02 thửa đất 122 và 235 với tổng diện tích 636,3m2 (là diện tích đất còn lại thực tế sau khi bị Nhà nước thu hồi một phần) là chưa đầy đủ. Cần xác định di sản thừa kế của cụ A và cụ B để lại bao gồm quyền sử dụng 02 thửa đất 122, 235 (phần còn lại sau khi bị thu hồi) và tổng số tiền được nhận do Nhà nước bồi thường khi thu hồi một phần đất của hai thửa đất trên là 976.140.000 đồng mới đảm bảo quyền lợi của các đương sự.

Thứ hai, theo Biên bản thẩm định tại chỗ thể hiện cho thấy có sự chênh lệch tăng 52,2m2 về số đo diện tích thực tế của hai thửa đất 122 và 235 (khi chưa bị thu hồi một phần) so với diện tích 732m2 được Nhà nước công nhận theo GCN quyền sử dụng đất đã cấp. Tòa án sơ thẩm chưa làm rõ nội dung này đã xác định diện tích sử dụng hợp pháp của thửa đất số 122 và số 235 mà cụ A, cụ B để lại có diện tích 784,2m2 như hiện trạng xem xét thẩm định tại chỗ là chưa có cơ sở vững chắc. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông D cho rằng trong diện tích đất tại thửa 235 còn có khoảng 120m2 đất gia đình ông D được ông Nguyễn Văn K cho nhưng không làm giấy tờ. Tòa cấp sơ thẩm chưa làm rõ vấn đề này là thiếu sót trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ.

Thứ ba, khi giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm không tính công sức quản lý, tôn tạo, duy trì khối di sản thừa kế trên cho ông D, làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của ông D.

Thứ tư, khi phân chia di sản thừa kế đối với thửa đất 235, Tòa án cấp sơ thẩm không xác định trên đất có những tài sản gì, trị giá mỗi tài sản là bao nhiêu để từ đó làm căn cứ buộc ông D phải di dời hoặc buộc ông G phải thanh toán trị giá tài sản trên đất cho ông D là chưa giải quyết triệt để vụ án.

Thứ năm, Tòa án cấp sơ thẩm quyết định chia đôi phần diện tích thửa đất 235 mà không làm rõ trên thực địa để xác định chính xác ranh giới đất khi phân chia, không có số liệu đo đạc của cơ quan chuyên môn và cũng không có sơ đồ phân chia đất kèm theo Bản án, không xác định xem việc phân chia đó có ảnh hưởng gì đến công trình trên đất hay không là thiếu sót, không đảm bảo tính khả thi trong thi hành án.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn vi phạm trong việc áp dụng pháp luật về án phí. Trong vụ án này, các đương sự gồm các ông: Nguyễn Văn C, sinh năm 1947; Nguyễn Văn D, sinh năm 1951; Nguyễn Văn G, sinh năm 1958. Tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm các ông đều đã trên 60 tuổi, theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi, Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì các ông đều thuộc trường hợp được miễn nộp án phí. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm vẫn tính và buộc nộp án phí sơ thẩm đối với ông C, ông D và ông G là không đúng quy định của pháp luật.

 

Tác giả: Trần Thị Thùy Linh (Viện 2)


 

Thông báo khác:

Trang: 1/2
Chuyển đến: