Kinh nghiệm rút ra từ một Quyết định chỉ giải quyết vụ án hành chính thiếu căn cứ

14/7/2020 | 0 | 0
Thông qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính ở cấp phúc thẩm, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát hiện một số vi phạm dẫn đến việc ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính thiếu căn cứ. Xin nêu ra để bạn đọc cùng tham khảo. 

Nội dung vụ án: Ngày 26/11/2013, Chủ tịch UBND huyện G, tỉnh N ban hành Quyết định số 898/QĐ-CT (gọi tắt là Quyết định 898) về việc giải quyết đơn khiếu nại của bà Phạm Thị H, nội dung: Bác đơn khiếu nại của bà H về việc không được bồi thường, hỗ trợ khi bị thu hồi đất trong Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A. 

Bà H không đồng ý, tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh N và Chủ tịch UBND tỉnh N đã ban hành Quyết định số 399/QĐ-UBND ngày 06/8/2018 (gọi tắt là Quyết định 399) giải quyết đơn khiếu nại của bà H, nội dung: Giữ nguyên Quyết định số 898 của Chủ tịch UBND huyện G, tỉnh N. 
 
Ngày 06/6/2019, bà H khởi kiện vụ án hành chính, yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh N: Hủy Quyết định số 399 của Chủ tịch UBND tỉnh N và đề nghị được bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích 155,15m2 đất mà UBND huyện G đã thu hồi để thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, gồm: Diện tích đất nhà Tời là 5,2m x 14m = 72,8m2; nhà Rèn là 6,2m x 13,5m = 82,35m2. Tổng diện tích đất nhà Tời và nhà Rèn là 155,15m2, trước đây là tài sản thuộc Xí nghiệp Cơ khí GV, nhưng đã chuyển nhượng cho ông Nguyễn Xuân T – nguyên là Chủ nhiệm Tổ hợp cơ khí huyện GV đồng thời là chồng của bà Phạm Thị H. Tại thời điểm thu hồi đất, vợ chồng bà H đang quản lý và sử dụng diện tích đất này.

  Ngày 08/10/2019, Tòa án nhân dân tỉnh N ban hành Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính số 10/2019/QĐST-HC với nhận định: “Xét thấy: Người khởi kiện bà Phạm Thị H không có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đối với diện tích nhà Rèn, nhà Tời và diện tích xây dựng công trình phụ mà gia đình bà H khiếu nại; thuộc trường hợp người khởi kiện không có quyền khởi kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 123 Luật tố tụng hành chính”. 

Ngày 21/10/2019, bà H kháng cáo, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét hủy Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án số 10/2019/QĐST-HC ngày 08/10/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh N để giải quyết lại vụ án theo quy định của pháp luật. 

Ngày 25/3/2020,Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên họp xét kháng cáo, đã chấp nhận kháng cáo của bà H, xử: Hủy Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính số 10/2019/QĐST-HC ngày 08/10/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh N để giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Một số vi phạm cần rút kinh nghiệm: 

Thứ nhất, Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính số 10/2019/QĐST-HC ngày 08/10/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh N xác định bà H không có quyền khởi kiện và căn cứ điểm a khoản 1 Điều 123; điểm h khoản 1 Điều 143 Luật Tố tụng hành chính, đình chỉ giải quyết vụ án là không chính xác. Bởi lẽ: 

Quyết định số 399 là Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai để xem xét lại  Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu (Quyết định 898) đối với khiếu nại của bà Phạm Thị H về bồi thường, hỗ trợ khi UBND huyện G thu hồi đất để thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua xã GT, huyện G, tỉnh N.

Theo quy định tại Điều 42 Luật khiếu nại năm 2011, khi hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định tại Điều 37 Luật khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính. Bà H là đối tượng bị điều chỉnh bởi Quyết định số 399 nên khi bà H không đồng ý với Quyết định này thì đương nhiên có quyền khởi kiện vụ án hành chính. Tòa án nhân dân tỉnh N quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với nhận định bà H không có quyền khởi kiện vụ án hành chính là chưa áp dụng đúng quy định của pháp luật về quyền khởi kiện trong vụ án hành chính.
  Cần lưu ý: Khi thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, Kiểm sát viên cần chú ý xác định đúng đối tượng khởi kiện, căn cứ pháp luật quy định về quyền và nghĩa vụ của Người khởi kiện để phát hiện, trao đổi xử lý, khắc phục kịp thời vi phạm của Tòa án trong đánh giá, xác định quan hệ pháp luật, tránh vi phạm tương tự xảy ra.  

Thứ hai, qua nghiên cứu Hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội nhận thấy trong việc giải quyết khiếu nại của bà Phạm Thị H, Chủ tịch UBND huyện G và Chủ tịch UBND tỉnh N đã vi phạm nghiêm trọng quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại theo Luật Khiếu nại năm 2011. Cụ thể:


Theo quy định tại Điều 28 Luật khiếu nại, thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý. Trong vụ việc cụ thể này, bà H có đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND huyện G từ ngày 16/10/2012, nhưng đến ngày 26/11/2013 Chủ tịch UBND huyện G mới ban hành Quyết định số 898 về giai quyết khiếu nại là đã quá thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu đến hơn 10 tháng.


Sau khi nhận được Quyết định số 898, bà H khiếu nại ngay đến Chủ tịch UBND tỉnh N, nhưng tới ngày 06/8/2018 (gần 05 năm sau), Chủ tịch UBND tỉnh N mới ban hành Quyết định số 399 về giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại của bà H, vi phạm quy định tại Điều 37 Luật khiếu nại, theo đó: Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý.


Việc chậm giải quyết khiếu nại (nêu trên) của Chủ tịch UBND huyện G và Chủ tịch UBND tỉnh N là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng tới tình hình an ninh, trật tự của địa phương. Do đó, khi thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính nếu phát hiện có vi phạm dạng này, Viện kiểm sát địa phương cần chủ động kiến nghị ngay tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại để khắc phục vi phạm, đảm bảo pháp luật về giải quyết khiếu nại được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất./.


          Tác giả: Lê Song Lê (Viện 3)

 

Thông báo khác:

Trang: 1/2
Chuyển đến: