Thông báo rút kinh nghiệm vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”

14/4/2020 | 0 | 0

Ngày 10/03/2020, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội ban hành Thông báo số 08/TB-VC1-DS, rút kinh nghiệm về vi phạm của Tòa án cấp sơ thẩm về thủ tục tố tụng, thu thập tài liệu, đánh giá chứng cứ, dẫn đến cấp phúc thẩm phải hủy án sơ thẩm trong vụ án “Tranh chấp đòi lại tài sản giữa Nguyên đơn- ông Lê Đình N và bà Lê Thị B với Bị đơn -ông Lê Huy T và bà Lê Thị S.


Tóm tắt nội dung vụ án


Theo Đơn khởi kiện và trình bày của Nguyên đơn: Năm 1988, vợ chồng ông N mua của vợ chồng ông T diện tích 200m2 đất ở tại thôn 2, xã Xuân Quang, huyện A, tỉnh B với giá 1.500.000 đồng. Giấy chuyển nhượng đất ngày 14/3/1998, có chứng thực của UBND xã Xuân Quang, do ông Đỗ Văn C- Phó Chủ tịch xã ký xác nhận (nhưng không ghi ngày, tháng, năm xác nhận). Vợ chồng ông N đã xây dựng 02 gian nhà ngói cấp 4 và công trình phụ, sinh sống trên đất từ năm 1998 đến năm 2003 thì vào Nam sinh sống, có nhờ ông V quản lý, trông coi. Năm 2004, UBND xã Xuân Quang khảo sát, đo đạc lập bản đồ địa chính, sổ địa chính đất đai trong toàn xã và ông T đã đứng tên kê khai toàn bộ thửa đất (trong đó có 200 m2 đã bán cho vợ chồng ông N). Tháng 3/2018, vợ chồng ông N định về quê sống mới biết ông T đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa đất trên ngày 31/8/2010. Vì vậy, vợ chồng ông N khởi kiện đề nghị Tòa án yêu cầu ông T phải trả lại 200m2 đất đã bán cho ông bà theo Giấy chuyển nhượng ngày 14/3/1998 và hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp đứng tên ông T.


Theo Bị đơn trình bày: Ngày 14/3/1998, vợ chồng ông T có viết Giấy chuyển nhượng cho vợ chồng ông N 200m2 đất với giá 1.500.000 đồng, nhưng sau khi nhận được Giấy chuyển nhượng, vợ chồng ông N không thanh toán cho ông bà số tiền như đã thỏa thuận nên việc chuyển nhượng không được thực hiện, Giấy chuyển nhượng trên không còn giá trị. Vợ chồng ông N có làm nhà nhưng trên diện tích đất không có tranh chấp, ngoài 200m2 đất nêu trên.


Tại Bản án sơ thẩm số 05/2019/DS-ST ngày 10/05/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh B đã quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông N về yêu cầu ông T phải trả lại diện tích đất 200 m2 đã chuyển nhượng cho vợ chồng ông N và hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông T.


Sau khi xét xử sơ thẩm, ông T có đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm.


Ngày 25/10/2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Tại Bản án phúc thẩm số 178/2019/DS-PT đã hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm nêu trên để giải quyết lại theo quy định của pháp luật.


Vấn đề cần rút kinh nghiệm


Thứ nhất, Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án là “Tranh chấp đòi lại tài sản” là chưa chính xác. Cần phải xác định quan hệ pháp luật là “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.


Thứ hai, Tòa án cấp sơ thẩm chưa tiến hành thu thập lấy lời khai của một số người làm chứng như: Ông Đỗ Văn C là người ký xác nhận để làm rõ thời điểm xác nhận Giấy chuyển nhượng đất; ông V (người được ông N nhờ trong coi nhà đất) và những hộ gia đình giáp ranh với diện tích đất đang tranh chấp để làm rõ nội dung vụ án.


Thứ ba, Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét thẩm định tại chỗ diện tích đất tranh chấp cũng như tài sản trên đất, chưa làm rõ vị trí, nguồn gốc diện tích đất tranh chấp (như thu thập sổ mục kê, sơ đồ địa chính, bản đồ giải thửa…) để làm rõ hiện trạng sử dụng đất, tài sản trên đất…


Việc Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ chứng cứ, chưa xem xét thẩm định tại chỗ nhưng đã quyết định buộc vợ chồng ông T phải trả lại diện tích đất 200m2 theo Giấy chuyển nhượng ngày 14/3/1998 cho vợ chồng ông N là chưa đủ căn cứ vững chắc. Mặt khác, lại không xác định vị trí mốc giới, giáp ranh tứ cận của diện tích đất tranh chấp dẫn đến việc không thể thi hành án được. Vì vậy, Tòa án cấp phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm để xét xử lại theo quy định của pháp luật.

                                                                      

 Người viết: Bùi Ninh (Viện 2)

Thông báo khác:

Trang: 1/2
Chuyển đến: