Vấn đề bạn đọc quan tâm

Vướng mắc về áp dụng tình tiết định khung “Sử dụng mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” đối với tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc

(6/5/2019) | 0

Thời gian gần đây, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, tội phạm sử dụng công nghệ cao làm công cụ, phương tiện phạm tội, đặc biệt là để đánh bạc có chiều hướng gia tăng, quy mô rất lớn, như: Vụ Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam cùng đồng bọn có hành vi “Đánh bạc”, “Tổ chức đánh bạc” trực tuyến qua mạng Internet, lôi kéo hàng triệu người tham gia, với số tiền dùng để đánh bạc lên đến hàng nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự trị an xã hội, làm nhiều gia đình thiệt hại nặng về kinh tế, vợ chồng ly hôn; tội phạm trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, giết người, tín dụng đen… gia tăng để kiếm tiền đánh bạc, kéo theo nhiều hệ lụy khác.

          Để xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với hành vi “Đánh bạc”, “Tổ chức đánh bạc”, đặc biệt là hành vi “Sử dụng mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” theo quy định tại khoản 2 Điều 321, Điều 322 Bộ luật hình sự năm 2015, đòi hỏi các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán phải có sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng tình tiết này. Bởi thực tiễn quá trình điều tra truy tố, xét xử, không ít địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân còn có quan điểm khác nhau khi áp dụng tình tiết “Sử dụng mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” để giải quyết đối với từng vụ án cụ thể.

          Những vướng mắc trong nhận thức và áp dụng pháp luật về nội dung nêu trên chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay liên ngành tư pháp Trung ương hướng dẫn tháo gỡ. Một số Tòa án địa phương đã có văn bản hỏi xin ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao. Tại Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 04/09/2018, Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn về nội dung này như sau:

          Sử dụng mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 Bộ luật Hình sự được hiểu là việc sử dụng mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để đánh bạc trực tuyến (như hình thành nên các chiếu bạc online hoặc sử dụng mạng internet, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để tổ chức đánh bạc, gá bạc).

          Việc người phạm tội sử dụng mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử khác như là phương tiện để liên lạc với nhau ( ví dụ: Nhắn tin qua điện thoại, qua email, zalo, viber... để ghi số đề, lô tô, cá độ đua ngựa...) mà không hình thành nên các trò chơi được thua bằng tiền hoặc hiện vật trực tuyến thì không thuộc trường hợp “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”, quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 232 Bộ luật hình sự.

          Trên đây là ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao để các tòa án nghiên cứu bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử.

          Thiết nghĩ, Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 04/9/2018 của Tòa án nhân dân tối cao mặc dù không phải là văn bản pháp quy nhưng nội dung hướng dẫn có yếu tố hợp lý. Trong khi chờ văn bản hướng dẫn chính thức của cơ quan có thẩm quyền, chúng ta nên tham khảo hướng dẫn tại Văn bản này để vận dụng vào thực tiễn, bảo đảm sự thống nhất trong hoạt động truy tố và xét xử.

                                                                                                                        Phạm Văn Hòa

Tin liên quan:

Trang: 1/1
Chuyển đến: