Vấn đề bạn đọc quan tâm

Giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong giai đoạn thực hành quyền công tố, KSXX phúc thẩm các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế

(13/11/2019) | 0

Trong giai đoạn thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm, VKSND cấp cao tại Hà Nội đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đảm bảo THQCT và kiểm sát xét xử nghiêm minh đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm tham nhũng, kinh tế nói riêng, đặc biệt là các vụ án do Ban chỉ đạo Trung ương chỉ đạo giải quyết.

          Trang tin điện tử VKSND cấp cao tại Hà Nội trân trọng giới thiệu bài viết “Giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong giai đoạn THQCT, KSXX phúc thẩm các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế” của Tiến sỹ, Kiểm sát viên cao cấp, VKSND cấp cao tại Hà Nội –Hoàng Minh Thành để bạn đọc cùng tham khảo. 

* Trong những năm gần đây, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế chức vụ nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, với tiêu chí “không có vùng cấm” được dư luận và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tội phạm tham nhũng, kinh tế chủ yếu trong các lĩnh vực:  Tài chính, tín dụng, ngân hàng, chứng khoán, quản lý sử dụng đất đại, tài nguyên khoáng sản, quản lý tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản...gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, gây thất thoát số tiền lớn của Ngân sách nhà nước, trong khi đó đất nước ta kinh tế còn nhiều khó khăn, ngân sách quốc gia hạn hẹp, tỷ lệ đói nghèo còn cao, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa....

Thực tiễn giải quyết các vụ án tham nhũng trong thời gian gần đây cho thấy số tiền của Nhà nước bị thất thoát hoặc bị chiếm đoạt đặc biệt lớn, lên đến hàng ngàn tỷ đồng nhưng con số tiền thu lại so với thất thoát, chiếm đoạt chiếm tỷ lệ thấp, điều đó cho thấy, việc thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những vấn đề bức thiết trong quá trình giải quyết vụ án tham nhũng, kinh tế hiện nay.

1. Về thực trạng công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng

          Kết quả giải quyết các vụ án tham nhũng trong giai đoạn THQCT và KSXX án hình sự phúc thẩm: Trong thời điểm từ tháng 6/2015 đến  tháng 7/2017, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã thụ lý xét xử phúc thẩm 39 vụ/130 bị cáo kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm liên quan đến án tham nhũng, kinh tế. Trong đó: Tội Tham ô tài sản (Điều 278) có 14 vụ/62 bị cáo; Tội nhận hối lộ (Điều 279) 03 vụ/20 bị cáo; Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280): 06 vụ/10 bị cáo; Tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281): 9 vụ/24 bị cáo; Tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282): 06 vụ/11 bị cáo; Tội giả mạo trong công tác (Điều 284): 01 vụ/03 bị cáo….Ngoài ra, một số tội phạm liên quan đến tài sản bị thất thoát lớn như các tội: Vi phạm các qui định trong hoạt động tổ chức tính dụng (Điều 179); Cố ý làm trái các qui định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng (Đ 165)…

             Tài sản bị chiếm đoạt, bị thiệt hại trong các vụ án tham nhũng: Tổng số tiền các bị cáo gây thiệt hại và chiếm đoạt bị phát hiện là 496.863.000.000 đồng (Bốn trăm chín mươi sáu tỷ tám trăm sáu mươi ba triệu đồng). Trong đó: số tiền gây thiệt hại bị phát hiện là 102 tỷ 374 triệu đồng; Số tiền chiếm đoạt bị phát hiện là 394 tỷ488 triệu đồng). Qua đó nỗi lên một số vụ đặc biệt nghiêm trọng, tài sản bị thất thoát và bị chiếm đoạt đặc biệt lớn, điển hình như:

 

Đ/c Lê Tư Quỳnh, Phó Viện trưởng cùng các Kiểm sát viên cao cấp VKSND cấp cao tại Hà Nội trong phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ Đinh La Thăng

            - Vụ án Hà Văn Thắm và các đồng phạm bị truy tố, xét xử về các tội: Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Tham ô tài sản, Nhận hối lộ…Vụ án này có tổng số 51 bị cáo, chiếm đoạt và gây thiệt hại trên 246 tỷ đồng, cho đến thời điểm xét xử phúc thẩm các bị cáo chỉ khắc phục được 5 tỷ đồng. Số còn lại hơn 241 tỷ đến nay chưa khắc phục và không có khả năng khắc phục.

            - 02 Vụ Đinh La Thăng cùng các đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, Nhận hối lộ và “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo các Điều 165, 279, 179 BLHS năm 1999 đã được xét xử phúc thẩm: Tài sản bị thất thoát hơn 800 tỷ; Tài sản bị chiếm đoạt 13tỷ 066 triệu đồng, các bị cáo đã khắc phục 1 tỷ 213 triệu đồng. Đến nay không có khả năng thu hồi.

            - Vụ Trịnh Xuân Thanh phạm tội: “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, Tham ô tài sản…đã Chiếm đoạt 49 tỷ đồng, gia đình bị cáo Thanh đã khắc phục toàn bộ tài sản chiếm đoạt.

            - Kết quả thu hồi tài sản trong quá trình giải quyết các vụ án tham nhũng: Trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm đã xét xử 43 vụ/132 bị cáo; xác định các bị cáo gây thiệt hại và chiếm đoạt với tổng số tiền là 505 tỷ 683 triệu đồng, đã thu hồi ở giai đoạn phúc thẩm là 9 tỷ 261triệu đồng đạt 0,017%. Biện pháp chính để thu hồi tài sản trong các vụ án này là người phạm tội tự nguyện khắc phục hậu quả. Số tài sản thu hồi được đều sung công quỹ hoặc kịp thời trả lại cho nguyên đơn dân sự là người được quản lý tài sản.

              2. Khó khăn, vướng mắc trong thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và nguyên nhân

              - Các bị cáo lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm các loại tội về tham nhũng, trong đó hành vi Lạm quyền hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ có xảy ra nhiều chủ yếu ở địa bàn các thôn do Trưởng thôn cùng Ban lãnh đạo thôn đã thực hiện việc bán đất đổi công trình nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương như điện, đường, trường, trạm phục vụ thôn, xóm…. Những tài sản thất thoát này cơ bản đã được đầu tư chi phí cho công trình phục vụ nhân dân ở địa phương đó. Vì vậy, đối với những thiệt hại này đều đã sử dụng vào lợi ích chung của thôn, xóm…Do đó không đặt vấn đề việc thu hồi tài sản.

              - Đối với tài sản tham nhũng, kinh tế bị chiếm đoạt do tư lợi cá nhân, thường khi phát hiện thì tài sản bị chiếm đoạt đã bị tẩu tán hoặc tiêu xài cá nhân hoặc đã để thất thoát lãng phí, khó có khả năng thu hồi. Ví dụ như bị cáo Đinh La Thăng phạm tội gây thiệt hại hơn 800 tỷ đồng, Tòa án buộc bị cáo bồi thường hơn 600 tỷ đồng, tuy nhiên xác minh tài sản của bị cáo Thăng chỉ có căn hộ Chung cư trị giá gần 10 tỷ đồng nên khó có khả năng thu hồi. Do vậy, đến giai đoạn xét xử phúc thẩm thì thiệt hại cho Ngân sách nhà nước trong các vụ án tham nhũng cơ bản không thu hồi được hoặc khắc phục đáng kể.

              Nguyên nhân:

              - Việc không quản lý tiền mặt bằng tài khoản gây khó khăn cho việc xác minh thu thập tài sản của người phạm tội.

              - Khó xác định được tài sản của bị cáo trong khối tài sản bị cáo cho người thân thích của bị cáo đứng tên hoặc đăng ký chủ sỡ hữu.

              - Việc phát hiện và áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với đối tượng tham nhũng, kinh tế chưa được kịp thời dẫn đến tài sản đã chiếm đoạt được đã bị tẩu tán, hoặc đã hợp pháp hóa tài sản bằng nhiều cách, gây khó khăn cho việc thu hồi tài sản sau này.

              - Sự phối hợp, liên kết giữa các Ngân hàng và chính quyền địa phương nơi bị cáo có tài sản để xác định tài sản của bị cáo để tiến hành kê biên, thu giữ tại nơi ở và những người thân thích của bị cáo chưa chặt chẽ.

              - Một số vụ việc xảy ra đã lâu, đến thời điểm xử lý hình sự thì đã qua nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra, đến thời điểm khởi tố điều tra thì cơ bản tài sản đã tẩu tán hết.

              3. Giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng trong THQCT và kiểm sát xét xử phúc thẩm án tham nhũng, kinh tế

              Để thu hồi tài sản có hiệu quả trong giai đoạn xét xử phúc thẩm có hiệu quả, cần thực hiện các giải pháp sau:

              1. Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm cần thẩm vấn rõ hành vi phạm tội của bị cáo để đánh giá vai trò, các tình tiết tăng năng, tình tiết giảm nhẹ qua đó đề xuất mức hình phạt đúng qui định pháp luật, đảm bảo tính răn đe đấu tranh đối với loại tội này. Mặt khác, KSV cần thẩm vấn làm rõ đường đi của tài sản tham nhũng; xác định nơi ẩn dấu tài sản cũng như làm rõ lý do thất thoát tài sản mà trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm chưa xác định được để từ đó có biện pháp thu hồi tài sản. Đây là giải pháp rất quan trọng để thu hồi tài sản trong quá trình xét xử phúc thẩm đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế.

              2. Thông qua công tác xét xử phúc thẩm, KSV tác động tâm lý trực tiếp để bị cáo khai nhận ra tài sản chiếm đoạt đang cất dấu ở đâu, có tài sản gì để khắc phục để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

              3. Phối hợp với Hội đồng xét xử Áp dụng triệt để nguyên tắc: “Tài sản được thu hồi, khắc phục đến đâu thì được xem xét giảm án đến đó”. Ví dụ, bị cáo A phạm tội Tham ô tài sản với số tiền 500 triệu đồng bị truy tố và xét xử ở khoản 4 Điều 278 BLHS 1999 và bị xử phạt 20 năm tù. Tuy nhiên, đến giai đoạn xét xử phúc thẩm, bị cáo A khắc phục được 200 triệu đồng, thì cấp phúc thẩm có thể xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo A xuống 15 năm tù (có xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ khác).

              Do đó, việc bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả là tình tiết để xem xét quyết định mức hình phạt cho các bị cáo, thúc đẩy các bị cáo và thân nhân của bị cáo tự nguyện trả lại tài sản và bồi thường cho người bị thiệt hại. Nên có quy định cụ thể về định lượng khắc phục hậu quả tương đương với mức án được giảm hình phạt (tính tỷ lệ % so với số tiền phải khắc phục). Có như vậy mới tạo hành lang pháp lý cụ thể để các bị cáo nộp tiền để được lượng khoan hồng. Việc này cũng cần áp dụng trong cả giai đoạn thi hành án.

             

              4. Để việc hồi tài sản trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm các vụ án về tham nhũng, kinh tế được thực hiện có chất lượng hiệu quả, xin đề xuất một số kiến nghị như sau

              Thông qua hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án phúc thẩm tham nhũng, kinh tế, xin kiến nghị:    

              - Sửa đổi qui định tại điểm c khoản 3 Điều 40 BLHS 2015: Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án thuộc trong các trường hợp sau: “Người bị kết án Tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản  tham ô, nhận hối lộ và Hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn…”

           Cụ thể: bị cáo Nguyễn Xuân Sơn trong vụ án Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, Tham ô tài sản…, tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, bị cáo có yêu cầu tự nguyện khắc phục ¾ số tiền bị chiếm đoạt để xin được giảm án từ Tử hình xuống Chung thân.

Tuy nhiên, theo qui định pháp luật hiện hành (điểm c khoản 3 Điều 40 BLHS 2015) đối với việc này, ngoài khắc phục ¾ số tiền chiếm đoạt trong tội Tham ô tài sản, nhận hối lộ còn phải thêm điều kiện: “Hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”…nên đây là một khó khăn cho HĐXX cấp phúc thẩm.

Mặt khác, Điều luật qui định phải trong giai đoạn thi hành án mới được áp dụng nên triệt tiêu động lực khắc phục hậu quả tài sản của bị cáo trong giai đoạn xét xử cũng như gia đình thân nhân của bị cáo tác động hoặc khắc phục thay để hưởng lượng khoan hồng.

 - Kiến nghị Cơ quan quản lý Nhà nước tính toán việc áp dụng biện pháp quản lý tiền mặt bằng tài khoản thông qua hệ thống Ngân hàng. Cụ thể: Ấn định hạn mức dùng tiền mặt trên 20 triệu trở lên phải chuyển khoản.

Bài viết: Hoàng Minh Thành; Biên tập-Thái Hưng


Tin liên quan:

Trang: 1/1
Chuyển đến: