Vấn đề bạn đọc quan tâm

Cần bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân cấp cao

(6/5/2019) | 0

Dự thảo Quy chế Tổ chức và hoạt động của Thanh tra Viện KSND do Viện KSND tối cao chủ trì, xây dựng đã nhiều lần đưa ra lấy ý kiến góp ý trong toàn Ngành. Khi bàn về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tại Chương II của Dự thảo, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định thêm về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra Viện KSND cấp cao (Dự thảo chỉ quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra VKSND tối cao và thanh tra VKSND cấp tỉnh).

Theo tác giả, việc không quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Viện KSND cấp cao là một thiếu sót, bất cập. Các Viện KSND cấp cao là cấp kiểm sát mới trong hệ thống Viện kiểm sát 4 cấp, có tổ chức bộ máy độc lập, được giao một số nhiệm vụ, quyền hạn nhất định trong công tác cán bộ, có trách nhiệm quản lý đối với cán bộ công chức trong đơn vị. Việc thành lập bộ máy thanh tra và quy định về chức năng nhiệm vụ của thanh tra Viện KSND cấp cao là hết sức cần thiết, bởi thanh tra là công cụ giúp Viện trưởng Viện KSND cấp cao tăng cường hiệu quả quản lý chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát công chức dưới quyền thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Chỉ thị của Viện trưởng Viện KSND tối cao, quy chế, quy định của Ngành, kế hoạch công tác, các quy trình, quy định của Viện KSND cấp cao. Công tác thanh tra gắn liền với công tác cán bộ, giúp Viện trưởng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm của cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; đề ra các biện pháp giúp các đối tượng bị thanh tra khắc phục, sửa chữa vi phạm; duy trì kỷ cương, kỷ luật trong đơn vị.

Việc Dự thảo Quy chế Tổ chức và hoạt động của Thanh tra Viện KSND không quy định chức năng nhiệm vụ của thanh tra Viện KSND cấp cao còn mâu thuẫn với một số văn bản pháp luật của Ngành hiện đang có hiệu lực: Tại Quyết định số 11/QĐ-VKSTC-V15 ngày 20/7/2015 về việc thành lập bộ máy làm việc của các Viện KSND cấp cao (tiểu mục 2.2.3 mục 2.2 điểm 2 Điều 2) và Quy chế Tổ chức và hoạt động của các Viện KSND cấp cao ban hành kèm theo quyết định số 26/QĐ-VKSTC ngày 20/11/2015 (điểm c khoản 2 Điều 7) đều quy định bộ máy làm việc của Viện KSND cấp cao có Phòng Tổ chức cán bộ, thanh tra, thi đua khen thưởng (thuộc Văn phòng) và nhiệm vụ công tác thanh tra là: Thanh tra công vụ, thanh tra nghiệp vụ, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ của Viện KSND cấp cao;

Quy chế công tác thanh tra trong ngành KSND được ban hành kèm theo Quyết định số 59/QĐ - VKSTC - T1 ngày 22/02/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (gọi tắt là Quy chế công tác thanh tra) cũng đã quy định rõ đối tượng và nội dung công tác thanh tra VKSND cấp cao (khoản 3 Điều 5; Khoản 4 điều 6).

Trên thực tế, thanh tra của các Viện KSND cấp cao đang hoạt động có hiệu quả. Theo Chỉ thị, chương trình, kế hoạch công tác của Ngành, hàng năm các Viện KSND cấp cao đều xây dựng kế hoạch thanh tra, thành lập đoàn thanh tra và tổ chức nhiều cuộc thanh tra về nghiệp vụ, về chấp hành kỷ luật nội vụ trong nội bộ, góp phần tích cực giúp Viện trưởng Viện KSND cấp cao lãnh đạo các đơn vị Viện KSND cấp cao hoàn thành tốt kế hoạch công tác hàng năm (riêng VC1 từ 2015 đến 2018, đã tổ chức 03 cuộc thanh tra nghiệp vụ, 49 cuộc thanh tra việc chấp hành kỷ luật nội vụ).

Như vậy dưới các phương diện về lý luận, cơ sở pháp lý và thực tiễn hoạt động thì cần thiết phải duy trì chức năng, nhiệm vụ thanh tra của các Viện KSND cấp cao. Trong điều kiện chưa thành lập được đơn vị thanh tra độc lập như Viện KSND tối cao và Viện KSND cấp tỉnh thì việc giao hoạt động thanh tra cho Phòng tổ chức cán bộ, thanh tra, thi đua khen thưởng để phân công cho cán bộ phụ trách công tác thanh tra như hiện tại là phù hợp, đúng với tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Hiện nay, bên cạnh việc xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của thanh tra VKSND, Viện KSND tối cao đang giao cho các Viện KSND cấp cao tiếp tục hoàn thiện việc sửa đổi Quy chế về tổ chức và hoạt động của Viện KSND cấp cao. Khi đưa ra lấy ý kiến về Dự thảo Quy chế (sửa đổi), tại cuộc họp ngày 22/3/2019, do lãnh đạo Viện KSND tối cao chủ trì thảo luận và kết luận vẫn giữ chức năng nhiệm vụ thanh tra của VKSND cấp cao (bao gồm cả thanh tra công vụ, nội vụ và thanh tra nghiệp vụ trong nội bộ Viện KSND cấp cao).

Như vậy, nếu không bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra Viện KSND cấp cao vào dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của thanh tra VKSND, sẽ dẫn đến xung đột giữa hai Quy chế đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo để xin ý kiến Ủy ban Kiểm sát VKSND tối cao. Vấn đề này rất cần lãnh đạo Viện KSND tối cao quan tâm, chỉ đạo để đảm bảo sự thống nhất, tương thích trong hệ thống văn bản pháp luật của Ngành.

Trần Thị Thanh Thủy - Văn phòng 

Tin liên quan:

Trang: 1/1
Chuyển đến: