Rút kinh nghiệm về vi phạm trong giải quyết vụ án “Tranh chấp Hợp đồng tín dụng”

1/11/2019 | 0 | 0

Thông qua công tác kiểm sát xét xử giám đốc thẩm, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã ban hành Thông báo rút kinh nghiệm số 19/TB- VC1-KDTM ngày 23/5/2019 đối với vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa: Nguyên đơn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Viettinbank) với Bị đơn Công ty TNHH STA và Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: ông Mai Xuân C và bà Lưu Thị L; ông Đặng Trọng Đ và bà Lê Thị O; chị Đặng Tố Q, anh Đặng Giang S, anh Đặng Thanh T; Văn phòng công chứng số 3 tỉnh H. Do Tòa án cấp phúc thẩm vi phạm trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật liên quan đến xử lý tài sản thế chấp nên Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã quyết định hủy toàn bộ bản án phúc thẩm số 17/2017/KDTM - PT ngày 18/12/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh H để giải quyết lại. Cụ thể như sau:

          1. Nội dung vụ án và quá trình giải quyết


Ngày 18/3/2015, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh H (sau đây viết tắt là Ngân hàng) với Công ty TNHH STA (viết tắt là Công ty STA) ký kết Hợp đồng tín dụng số 158200102/2015/HĐTD. Theo đó, hai bên thỏa thuận hạn mức cho vay 8.850.000.000 đồng; thời hạn duy trì hạn mức cho vay và thời gian giải ngân 12 tháng kể từ ngày 18/3/2015 đến hết ngày 18/3/2016; thời hạn cho vay, trả gốc, trả lãi được ghi cụ thể trên từng giấy nhận nợ. Khoản vay trên được bảo đảm bằng: Quyền sử dụng thửa đất số 48, tờ bản đồ số 07, diện tích 225,7 m2 tại địa chỉ số nhà 82 Hàng Đồng, phường ĐB, thành phố T, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AG 725924, vào sổ cấp giấy chứng nhận số 00923 ĐB QSDĐ/3701/QĐ-UBND do Uỷ ban nhân dân thành phố T cấp ngày 29/11/2006 cho hộ ông Đặng Trọng Đ, bà Lê Thị O, cùng tài sản gắn liền với đất là nhà ở 3 tầng diện tích xây dựng 650 m2 (theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của bên thứ ba số 10560055/HĐBĐ ngày 15/11/2010 ký kết giữa Ngân hàng với bên có tài sản ông Đặng Trọng Đ, bà Lê Thị O và bên vay vốn là Công ty STA).


Đến hạn trả nợ gốc và lãi của Hợp đồng tín dụng số 158200102/2015/HĐTD, do Công ty STA không trả được nợ, Ngân hàng đã khởi kiện, yêu cầu Tòa án: Buộc Công ty STA phải thanh toán nợ gốc và lãi tính đến ngày 02/8/2016 là 6.986.394.534 đồng (trong đó nợ gốc 6.605.861.600 đồng; nợ lãi trong hạn 262.174.276 đồng; lãi quá hạn 118.358.658 đồng). Trường hợp Công ty STA không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ thì Ngân hàng có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án kê biên phát mại tài sản thế chấp nêu trên để thu hồi nợ.

Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: chị Đặng Tố Q, anh Đặng Giang S, anh Đặng Thanh T (là các con của ông Đ, bà O) có yêu cầu độc lập: Yêu cầu Tòa án hủy Hợp đồng thế chấp số 10560055/HĐBĐ ngày 15/11/2010, với lý do: ngôi nhà 03 tầng xây trên thửa đất số 48, tờ bản đồ số 07, địa chỉ số nhà 82 Hàng Đồng là tài sản chung của các thành viên trong gia đình ông Đ. Việc ông Đ, bà O tự ý đem ngôi nhà đi thế chấp không có sự đồng ý của các anh, chị đã gây thiệt hại đến quyền lợi của các anh, chị.


          Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 11/2017/KDTM-ST ngày 6/9/2017 của Tòa án nhân dân thành phố T quyết định:


 Chấp nhận một phần đơn khởi kiện của Ngân hàng Công thương. Buộc Công ty STA phải trả cho Ngân hàng Công Thương, tính đến 24/7/2017 với số tiền là 6.393.611.448 đồng (trong đó tiền gốc 4.955.861.600 đồng; tiền lãi trong hạn 982.530.066 đồng, lãi quá hạn 455.219.782 đồng).


Không chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng Công thương về quyền yêu cầu cơ quan thi hành án kê biên, phát mại tài sản đảm bảo là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Thửa đất số 48, Tờ bản đồ số 07, địa chỉ: Số nhà 82 Hàng Đồng, phường ĐB, thành phố T. Ngân hàng Công thương có trách nhiệm trả lại đầy đủ giấy tờ về quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở và làm thủ tục xóa chấp cho gia đình ông Đặng Trọng Đ, bà Lê Thị O.


Ngày 20/9/2017, Ngân hàng Công thương có Đơn kháng cáo đề nghị xem xét lại bản án sơ thẩm về phần xử lý tài sản thế chấp.

Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 17/2017/KDTM-PT ngày 18/12/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh H quyết định:


Không chấp nhận kháng cáo của Ngân hàng Công thương, giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 11/2017/KDTM-ST ngày 6/9/2017 của Tòa án nhân dân thành phố T.


Sau khi xét xử phúc thẩm, Ngân hàng Công thương có Đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm nêu trên về phần tài sản thế chấp.


Ngày 4/7/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 05/QĐKNGĐT-KDTM đối với Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm nêu trên.


           Tại Quyết định giám đốc thẩm số 17/2018/KDTM-GĐT ngày 19/11/2018 của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã quyết định: Hủy toàn bộ Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm, phúc thẩm nêu trên để giải quyết lại theo quy định của pháp luật.


2. Những vi phạm cần rút kinh nghiệm


  Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AG 725924 ngày 29/11/2006 do UBND thành phố T cấp, ông Đặng Văn Đ và bà Lê Thị O  là chủ thể được cấp quyền sử dụng 225,7m2 đất tại thửa đất số 48, tờ bản đồ số 07, địa chỉ Số 82 Hàng Đồng, phường ĐB, thành phố T. Việc Ông Đ, bà O dùng Quyền sử dụng diện tích đất này thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ cho Công ty STA là hoàn toàn hợp pháp.


Về ngôi nhà 03 tầng xây dựng trên diện tích 225,7m2 tại số 82 Hàng Đồng, ông Đ, chị Q, anh S, anh T cho rằng Ngôi nhà này là tài sản chung của các thành viên trong hộ gia đình do có công sức đóng góp cải tạo, sửa chữa nhà nhưng lại không cung cấp được tài liệu chứng minh công sức đóng góp của các anh, chị trong việc sửa chữa, nâng cấp nhà. Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa làm rõ có hay không công sức đóng góp sửa chữa nhà của các con ông Đ, bà O để xác định phần đóng góp của họ trong khối tài sản thế chấp, mà lại mặc nhiên thừa nhận ngôi nhà 3 tầng là tài sản chung của các thành viên trong gia đình ông Đ, bà O. Từ đó kết luận việc ông Đ, bà O ký Hợp đồng thế chấp ngôi nhà này không được sự đồng ý của các con là vi phạm Điều 212 Bộ luật dân sự là kết luận không chính xác, thiếu căn cứ.


            Theo Hợp đồng thế chấp 10560055/HĐBĐ ngày 15/11/2010 thể hiện: Nghĩa vụ bảo đảm của tài sản thế chấp được các bên thỏa thuận là theo Hợp đồng tín dụng số 10681468 ngày 28/6/2010 và các hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo lãnh khác do Ngân hàng và Công ty STA ký kết đến ngày 15/11/2015. Như vậy, phạm vi bảo đảm bao gồm cả nghĩa vụ hiện tại và trong tương lai theo các hợp đồng tín dụng ký kết giữa Ngân hàng và Công ty STA đến thời điểm ngày 15/11/2015. Việc thỏa thuận này không trái quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.


            Trước khi ký kết Hợp đồng tín dụng số 158200102/2015/HĐTD, ngày 22/8/2014, ông Đ, bà O và Ngân hàng đã ký biên bản định giá lại tài sản thế chấp và văn bản sửa đổi, bổ sung tài sản thế chấp. Theo đó, hai bên thống nhất sửa đổi nội dung của Điều 3 Hợp đồng thế chấp như sau: Ngân hàng cho Công ty STA vay vốn cấp bảo lãnh, số tiền tối đa không quá 90% giá trị  tài sản là quyền sử dụng đất và 50% giá trị tài sản gắn liền với đất được định giá theo biên bản định giá tại thời điểm gần nhất. Văn bản sửa đổi bổ sung hợp đồng này có hiệu lực từ ngày ký… mọi điều khoản khác của Hợp đồng thế chấp không thay đổi. Sự thỏa thuận này thể hiện việc đồng ý của ông Đ, bà O tiếp tục sử dụng tài sản là nhà, đất tại 82 Hàng Đồng để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ các khoản vay của Công ty STA tại Ngân hàng.


  Như vậy, Bản án sơ thẩm kết luận: việc các bên ký kết hợp đồng bảo đảm nghĩa vụ phát sinh trong tương lai là vi phạm pháp luật; việc ký kết các hợp đồng tín dụng tiếp theo, việc thay đổi các tài sản bảo đảm cho khoản tiền vay (Công ty STA) và bên cho vay (Ngân hàng) đều không thông báo cho bên có tài sản bảo đảm biết và không ý kiến đồng ý của họ……. không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, không đúng quy định của pháp luật.


Ngoài ra, theo Hợp đồng tín dụng số 158200102/2015/HĐTD, Hợp đồng thế chấp 10560055/HĐBĐ ngày 15/11/2010 và các văn bản làm việc giữa các bên thể hiện tài sản thế chấp để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của Công ty STA theo Hợp đồng tín dụng số 158200102/2015/HĐTD gồm 03 bất động sản là nhà, đất thuộc quyền sở hữu, sử dụng của 03 chủ thể khác nhau. Theo quy định tại Điều 365 Bộ luật Dân sự năm 2005 (nay là Điều 338 Bộ luật Dân sự năm 2015); tiểu mục 2, Mục III Thông tư số 07/2003/TT-NHNN ngày 19/5/2003 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “Hướng dẫn thực hiện một số quy định về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng”, trường hợp nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì phải liên đới chịu trách nhiệm bảo lãnh.


Trong quá trình giải quyết vụ án, ông Đ đã đề nghị Tòa án thu thập chứng cứ, xác định trách nhiệm của những người cùng bảo đảm nghĩa vụ trả nợ tiền vay của Công ty STA và của Ông, Bà theo đúng quy định pháp luật. Yêu cầu thu thập chứng cứ của ông Đ, bà O cần được thực hiện để xác định % giá trị bảo lãnh của mỗi tài sản bảo đảm. Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm không thực hiện yêu cầu này của đương sự là vi phạm khoản 3 Điều 48, khoản 7 Điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, chưa bảo đảm thu thập đủ chứng cứ để giải quyết vụ án.


Những vi phạm, thiếu sót trên của Bản án sơ thẩm, Bản án phúc thẩm là nghiêm trọng, vi phạm điểm a, b khoản 1 Điều 326 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, dẫn đến cấp giám đốc thẩm phải hủy để xét xử lại.


Hoàng Tố Nguyên

(Viện 4 – Viện KSND cấp cao tại Hà Nội)

Thông báo khác:

Trang: 1/2
Chuyển đến: