Thông báo rút kinh nghiệm về vi phạm trong việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại “Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo Hợp đồng”

30/10/2019 | 0 | 0

Thông qua công tác kiểm sát xét xử giám đốc thẩm đối với vụ án “Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng” giữa: Nguyên đơn - Công ty chứng khoán K với Bị đơn - Tổng công ty bất động sản D, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội ban hành Thông báo số 44/TB-VC1-KDTM ngày 08/10/2019, rút kinh nghiệm về vi phạm của Tòa án cấp phúc thẩm trong giải quyết vụ án. Xin nêu ra để các bạn đọc cùng tham khảo.

 

I.   Tóm tắt nội dung vụ án

Ngày 20/12/2011, Công ty chứng khoán K và Tổng công ty bất động sản D (ký kết Hợp đồng tạm ứng vốn đầu tư với nội dung: Công ty K góp 25 tỷ đồng cho Tổng công ty D để hoàn thiện đưa vào kinh doanh dự án “Khu Resort- Khu cầu B”, thời hạn đầu tư 10 tháng kể từ ngày giải ngân, lợi nhuận 2%/tháng, trả lợi nhuận theo từng tháng, vào ngày 05 đến ngày 10 hàng tháng.                                                                                                                                   

Ngày 27/12/2011, Công ty K đã chuyển 25 tỷ đồng vào tài khoản của Tổng công ty D. Ngày 16/10/2012, hai bên ký phụ lục gia hạn hợp đồng lần 1, theo đó Công ty K gia hạn tiếp 10 tháng đầu tư với Tổng công ty D và giảm lãi suất xuống còn 1,2%/tháng. Ngày 20/8/2013 hai bên ký phụ lục gia hạn hợp đồng lần 2, theo đó Công ty K gia hạn trả nợ đến 25/12/2013 cho Tổng công ty D. Ngày 04/6/2014, hai bên ký Phụ lục Hợp đồng lần 3 với nội dung Công ty K gia hạn 09 tháng đầu tư với Tổng công ty D, kể từ ngày 25/12/2013 đến ngày 25/9/2014.

Quá trình thực hiện Hợp đồng, Tổng công ty D mới thanh toán cho Công ty K được 03 tỷ đồng tiền gốc và 7.290.066.667 đồng tiền lợi nhuận.

Ngày 07/5/2015 Công ty K đã khởi kiện ra Tòa án, yêu cầu Tổng công ty D phải thanh toán 22 tỷ đồng tiền gốc còn lại, 7.958.200.000 đồng tiền lợi nhuận tính đến ngày 30/4/2015 và tiền lãi do chậm thanh toán là 1.610.355.847 đồng. Tổng cộng là 31.568.555.847 đồng.

Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 12/2016/KDTM-ST ngày 25/7/2016 của Tòa án nhân dân thành phố T đã quyết định:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty K về thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Tuyên bố: Hợp đồng tạm ứng vốn đầu tư xác lập ngày 20/12/2011 và phụ lục kèm theo giữa Công ty K với Tổng công ty bất động sản D vô hiệu do giả tạo; phần nội dung vay vốn giữa Tổng công ty D với Công ty K cũng bị vô hiệu do vi phạm điều cấm...

Buộc Tổng công ty bất động sản D phải có nghĩa vụ thanh toán trả lại cho Công ty K số tiền 25.000.000.000 đồng….

Ngoài ra Bản án còn tuyên về một số vấn đề khác và án phí.

 Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 16/2016/KDTM-PT ngày 10/10/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh T giữ nguyên quyết định của Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 12/2016/KDTM-ST ngày 25/7/2016 của Tòa án nhân dân thành phố T. Chỉ sửa phần án phí.

Sau khi xét xử phúc thẩm Công ty K có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Ngày 27/7/2018, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 06/QĐKNGĐT - KDTM đối với Bản án phúc thẩm nêu trên.

Ngày 21/01/2019, Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử giám đốc thẩm, quyết định: Hủy Bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân thành phố T xét xử sơ thẩm lại.

2. Những vi phạm cần rút kinh nghiệm

Theo tài liệu Hồ sơ vụ án, Hợp đồng và các phụ lục hợp đồng đã ký, lời khai của các bên đương sự cho thấy: Bản chất giao dịch giữa các bên theo Hợp đồng tạm ứng vốn đầu tư nêu trên không phải là hợp đồng đầu tư vốn kinh doanh để phân chia lợi nhuận mà là giao dịch vay tài sản (vay tiền) và trả lãi hàng tháng.

Điều 129 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che dấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che dấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng bị vô hiệu theo quy định của Bộ luật này”

Xét hợp đồng vay tài sản (là giao dịch có thật bị che dấu), nhận thấy: Hợp đồng vay tài sản là một trong số những hợp đồng dân sự thông dụng và cơ bản của các chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự, được quy định trong Bộ luật dân sự năm 2005 (từ điều 471 đến Điều 479). Trong vụ án này, Công ty K và Tổng công ty D đều là pháp nhân có giấy phép hoạt động hợp pháp, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để được tham gia giao kết các hợp đồng dân sự.

Tại thời điểm Công ty K ký hợp đồng cho Tổng công ty D vay 25 tỷ đồng (ngày 20/12/2011), cho đến ngày 14/01/2013 thì Luật chứng khoán năm 2005; Quy chế tổ chức và hoạt động công ty chứng khoán (ban hành theo Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC ngày 24/4/2007 của Bộ Tài chính); Quyết định 126/2008/QĐ-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động công ty chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC (nêu trên) đang có hiệu lực thi hành, chỉ quy định: “Công ty chứng khoán không được cho khách hàng vay tiền để mua chứng khoán ”, “Công ty chứng khoản không được cho vay dưới bất kỳ hình thức nào đối với các cổ đông lớn, thành viên Ban Kiểm soát, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban Giám đốc và người có liên quan của những đối tượng nêu trên”.  Không có quy định nào cấm Công ty chứng khoán cho cá nhân, tổ chức khác (ngoài các đối tượng nêu trên) vay tiền ở các loại hình cho vay khác (ngoài cho vay tiền để mua chứng khoán).

Chỉ từ 15/01/2013 trở đi, khi Thông tư 210/2012/TT-BTC ngày 30/11/2012 của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành, thay thế cho Quyết định số 27/2007/QĐ- BTC và Quyết định 126/2008/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính (nêu trên), tại Điều 43 của Thông tư 210/2012/TT-BTC quy định: “Công ty chứng khoán không được cho vay tiền và chứng khoán dưới mọi hình thức.”

Tại khoản 3 Điều 71 Thông tư 210/2012/TT-BTC quy định: “Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, công ty chứng khoản có tỷ lệ vay nợ, tỷ lệ đầu tư vượt quá quy định tại khoản 1 Điều 42 và Điều 44 Thông tư này không được phát sinh mới hoặc gia hạn các khoản vay, các khoản nợ phải trả, không được tăng tỷ lệ đầu tư dưới mọi hình thức”.

Như vậy:

-   Hợp đồng tạm ứng vốn đầu tư ký ngày 20/12/2011 của Công ty K với Công ty D và Phụ lục hợp đồng lần 1 ký ngày 16/10/2012 không vi phạm điều cấm của pháp luật, vẫn có hiệu lực thi hành, không bị vô hiệu theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Dân sự 2005 do các giao dịch này phát sinh trước thời điểm ngày 15/01/2013 (ngày Thông tư số 210/2012/TT-BTC có hiệu lực thi hành)

-    Phụ lục hợp đồng lần 2 ngày 20/8/2013Phụ lục hợp đồng lần 3 ngày 04/6/2014 bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật (vi phạm Điều 43 và khoản 3 Điều 71 Thông tư 210/2012/TT-BTC về việc không được gia hạn khoản cho vay nêu trên).

-    Việc Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm xác định toàn bộ phần nội dung vay vốn theo Hợp đồng tạm ứng vốn đầu tư ngày 20/12/2011 và phụ lục kèm theo được ký kết giữa Công ty KVS với Tổng công ty Đông Á bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật là không chính xác. Đồng thời chỉ buộc Tổng công ty Đông Á phải trả số tiền vay gốc cho Công ty KVS mà không buộc phải trả lãi, không xem xét đến lỗi của Tổng công ty Đông Á và thiệt hại do hợp đồng bị vô hiệu là không đầy đủ và thiếu khách quan./.

 

Bài viết: Vũ Minh Trang (Viện 4)

Thông báo khác:

Trang: 1/2
Chuyển đến: