Tin tổng hợp
Tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Vũ “Nhôm” cùng 02 cựu Thứ trưởng Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo
Tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Vũ
“Nhôm” cùng 02 cựu Thứ trưởng Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà
Nội đề nghị không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên mức án như Bản
án sơ thẩm đã tuyên
Bước sang ngày làm việc thứ ba của phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Phan Văn Anh Vũ và đồng bọn, mở đầu phần tranh luận, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm kết luận của Viện kiểm sát về vụ án
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp
cao tại Hà Nội phát biểu kết luận
Xét kháng cáo kêu oan của bị cáo Phan
Văn Anh Vũ, Viện kiểm sát cho rằng: Hành
vi phạm tội của bị cáo Vũ đã rõ, không oan. Bị cáo Vũ được tuyển dụng làm sỹ
quan tình báo cho Tổng cục 5 Bộ Công an, giữ chức vụ Phó Trưởng phòng. Bị cáo đã
lợi dụng danh nghĩa phục vụ công tác nghiệp vụ để trục lợi thông qua các doanh
nghiệp là tổ chức bình phong của Tổng cục 5 do Bị cáo đứng ra thành lập, để đề
nghị Bộ Công an, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng
cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất đối với 07 nhà đất
công sản có tổng diện tích 6.723,87 m2 nhà và 26.759,9m2
đất ở các vị trí đắc địa mà không qua đấu giá, còn xin được giảm giá, giảm hệ
số sinh lợi và xin được hưởng nhiều ưu đãi khác trái quy định của pháp luật. Sau
khi các công ty bình phong được giao quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, bị
cáo Vũ đã làm thủ tục để chuyển quyền sử dụng đất từ công ty bình phong sang tên
cá nhân mình, hoặc liên kết kinh doanh, chuyển nhượng cho cá nhân, tổ chức khác
để thu lợi bất chính. Hành vi của Bị cáo là trái quy định về công vụ, vi phạm
quy định của Nhà nước về quản lý đất đai đối với đất công sản, gây hậu quả đặc
biệt nghiêm trọng.
Theo Đại diện Viện kiểm sát, Tòa án
cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo Vũ phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi
thi hành công vụ” là có căn cứ, đúng pháp luật; đã áp dụng đúng tội danh, khung
hình phạt; các tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo Vũ. Song bị cáo Vũ còn có tình
tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm
g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự (do nhiều lần thực hiện hành vi thâu tóm đối
với 07 bất động sản là công sản) nhưng không được Tòa án sơ thẩm áp dụng. Tuy
vậy, mức án 15 năm tù mà Bản án sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo Vũ nằm trong
khung hình phạt áp dụng, phù hợp với quy định của pháp luật nên đề nghị vẫn giữ
nguyên; không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Vũ.
Xét kháng cáo xin hưởng án treo của
bị cáo Bùi Văn Thành (cựu Thứ trưởng Bộ Công an), Đại diện Viện kiểm sát cho
rằng: Kết quả điều tra đã xác định rõ hành vi phạm tội của Bị cáo. Trong suốt
quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo
Thành đã nhận thức được sai phạm của mình, có thái độ thành khẩn, ăn năn hối
cải. Tại phiên tòa phúc thẩm, Bị cáo cung cấp tài liệu xác định Bị cáo có anh
trai là liệt sĩ, là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ
luật hình sự.
Đại diện Viện kiểm sát đánh giá: Bị cáo Thành tuy giữ chức vụ cao trong ngành Công an và đã có nhiều thành tích trong công tác nhưng không giữ được phẩm chất của người lãnh đạo, của người làm cách mạng, đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, không báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn khi bị cáo Vũ có hành vi chuyển nhượng nhà, đất công sản, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy Bị cáo cần có thời gian cải tạo để suy ngẫm, không chỉ để chuộc lại lỗi lầm của bản thân mà còn để làm gương cho toàn xã hội. Các tình tiết giảm nhẹ của Bị cáo đã được cấp sơ thẩm đề cập, đánh giá và đã áp dụng Điều 54 Bộ luật hình sự cho Bị cáo hưởng mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Do đó không có cơ sở chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của Bị cáo, đề nghị giữ nguyên mức án 30 tháng tù mà Bản án sơ thẩm đã tuyên đối với Bị cáo.
Các bị cáo nghe Đại diện Viện kiểm
sát kết luận
Đối với kháng cáo kêu oan của bị cáo
Trần Việt Tân (cựu Thứ trưởng Bộ Công an), Viện kiểm sát đánh giá: Bị cáo là
lãnh đạo cấp cao của ngành Công an, được giao phụ trách, chỉ đạo trực tiếp Tổng
cục 5 Bộ Công an. Những văn bản do Bị cáo phê chuẩn, ký gửi trên danh nghĩa Bộ
Công an đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Vũ "Nhôm" thâu tóm nhà
đất công sản trái pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước. Bị cáo đã
thiếu trách nhiệm trong quản lý, chỉ đạo đối với Tổng cục V; không kiểm tra,
giám sát chặt chẽ dẫn đến không phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi phạm
tội của bị cáo Vũ, để Vũ lợi dụng danh nghĩa công ty bình phong và các văn bản
của Bộ Công an thực hiện hành vi phạm tội. Với tính chất, mức độ nguy hiểm của
hành vi phạm tội và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của Vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm
tuyên xử Bị cáo 36 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”
là có căn cứ, không oan. Đề nghị giữ nguyên hình phạt và tội danh như Bản án sơ
thẩm đã tuyên.
Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình
phạt của bị cáo Phan Hữu Tuấn (cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V) và bị cáo Nguyễn
Hữu Bách (cựu Phó Cục trưởng Cục B61, Tổng cục V), Đại diện Viện kiểm sát cho
rằng: Hành vi đồng phạm với bị cáo Vũ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi
hành công vụ của các bị cáo Tuấn và Bách đã rõ. Các bị cáo là người trực tiếp
quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ đối với Vũ, biết rõ mục đích của Vũ tại các dự án nhà
đất nêu trên không nhằm phục vụ hoạt động nghiệp vụ của Cục B61, Tổng cục 5 Bộ
Công án mà có tính vụ lợi. Các bị cáo biết rõ các văn bản do các bị cáo xây
dựng, trình lãnh đạo phê chuẩn là để làm lợi cho doanh nghiệp của Vũ (dưới danh
nghĩa công ty bình phong của Tổng cục 5), khi không phải thực hiện các thủ tục
hành chính và nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật, nhưng các bị cáo
vẫn thực hiện để hậu thuẫn cho Vũ thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, các bị cáo
Tuấn, Bách giữ vai trò là đồng phạm giúp sức tích cực, tạo điều kiện tốt nhất
có thể trong phạm vi quyền hạn của mình để hỗ trợ cho bị cáo Vũ phạm tội. Tòa
án cấp sơ thẩm đã áp dụng tội danh, khung hình phạt phù hợp với tính chất, mức
độ hành vi phạm tội của các bị cáo. Các tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo đã
được Bản án sơ thẩm đề cập, đánh giá để áp dụng và cũng đá áp dụng Điều 54 Bộ
luật hình sự để quyết định mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Ngoài
ra, cũng như bị cáo Vũ, các bị cáo Tuấn, Bách còn có tình tiết tăng nặng trách
nhiệm hình sự “phạm tội hai lần trở lên” nhưng cấp sơ thẩm không đánh giá áp
dụng. Do vậy, mức án 05 năm tù Bản án sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo Tuấn, bị
cáo Bách trong điều kiện chưa đánh giá đến tình tiết tăng nặng nêu trên đã là rất
nương nhẹ cho các bị cáo, nên không có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt theo kháng
cáo. Đề nghị giữ nguyên mức án 05 năm tù mà Bản án sơ thẩm đã tuyên đối với các
bị cáo.
Khi đánh giá về việc xác định thiệt
hại trong vụ án và việc áp dụng biện pháp tư pháp để xử lý tài sản là nhà đất
và số tiền bị tạm giữ, bị phong tỏa tài khoản theo quyết định của Bản án sơ
thẩm, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội thành phố Hà Nội đã đề
nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân
thành phố Hà Nội, đề nghị sửa án sơ thẩm, xác định lại thời điểm tính thiệt hại
của Nhà nước do 07 nhà đất công sản đã bị Vũ và đồng phạm lợi dụng chức vụ,
quyền hạn trong khi thi hành công vụ thâu tóm trong suốt thời gian dài.
Theo Đại diện Viện kiểm sát, bị cáo
Vũ là người trực tiếp nắm giữ, sử dụng tài sản là 07 nhà đất này sau khi được
thuê, được nhận chuyển nhượng; Bị cáo không thực hiện việc chiếm đoạt tài sản
mà khai thác và hưởng lợi từ các tài sản này một cách liên tục cho đến khi bị
phát hiện, khởi tố vụ án. Trong suốt thời gian từ khi Bị cáo được nhận tài sản
một cách trái pháp luật cho đến khi Vụ án được khởi tố thì Nhà nước đã mất đi
quyền sử dụng, khai thác và hưởng lợi từ 07 nhà đất này. Đây là thiệt hại thực
tế của Nhà nước do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra. Tòa án cấp sơ thẩm
chỉ tính thiệt hại tại thời điểm các bị cáo bắt đầu phạm tội mà không tính tại
thời điểm khởi tố vụ án là chưa đánh giá đúng bản chất của vụ án, chưa xác định
đầy đủ hậu quả mà các bị cáo đã gây ra cho Nhà nước. Đại diện Viện kiểm sát cho
rằng, thiệt hại của Nhà nước do bị cáo Vũ và đồng phạm lợi dụng chức vụ, quyền
hạn gây ra là 1.159 tỷ đồng (tính đến thời điểm khởi tố vụ án, không phải chỉ hơn
135 tỷ đồng như Bản án sơ thẩm xác định.
Trong kết luận, Đại diện Viện kiểm
sát cũng đề nghị sửa phần quyết định của Bản án sơ thẩm về nội dung tuyên thu
hồi 07 nhà đất nêu trên và tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước số tiền đã tạm giữ,
số tiền trong tài khoản đã bị phong tỏa là tài sản của cá nhân bị cáo Vũ và các
công ty liên quan đến Vũ. Theo Đại diện Viện kiểm sát, Bản án sơ thẩm tuyên
quyết định thu hồi 07 nhà đất nêu trên là không phù hợp với quy định của Bộ luật
hình sự về các biện pháp tư pháp và không phù hợp với quy định của Luật đất
đai. Đề nghị sửa Bản án sơ thẩm theo hướng Tòa án chỉ tuyên hủy các quyết định
giao đất trái pháp luật đối với 07 nhà đất trên, còn giao cho UBND thành phố Đà
Nẵng và UBND thành phố Hồ Chí Minh thu hồi, quản lý và xử lý 07 nhà, đất trên
theo quy định của pháp luật về đất đai, về quản lý công sản để không làm thất
thoát tài sản của Nhà nước và đảm bảo lợi ích hợp pháp của những người có liên
quan.
Đại diện Viện kiểm sát đề nghị sửa
Bản án sơ thẩm về nội dung tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước số tiền đã tạm giữ,
số tiền trong tài khoản đã bị phong tỏa là tài sản của cá nhân bị cáo Vũ và các
công ty liên quan đến Vũ, vì cho rằng: Tòa án cấp sơ thẩm tuyên tịch thu các
tài sản trên mà không xác định nguồn gốc tài sản làm cho phán quyết của tòa thiếu
căn cứ, không thuyết phục. Khi chưa chứng minh được đó là tài sản do phạm tội
mà có thì chỉ được tuyên tiếp tục tạm giữ, quản lý số tiền này để đảm bảo thi
hành án.
Bài viết: Yến Minh-Thái Hưng
Ảnh: Đình Đức
Tin liên quan:
- Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
- Đoàn khảo sát, đánh giá kết quả tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW và Chỉ thị số 33-CT/TW làm việc với Ban cán sự đảng VKSND tối cao
- Hội nghị tổng kết thi hành Luật Phòng, chống ma túy
- Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV: Chú trọng phát hiện, xử lý tham nhũng trong các cơ quan chống tham nhũng và tình trạng "tham nhũng vặt"
- Bộ Chính trị ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền
- Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn là tấm gương tiêu biểu của tầng lớp nhân sĩ, trí thức Việt Nam luôn vì nước, vì dân, xả thân vì nghĩa lớn
- Xây dựng thể chế pháp luật, phải theo sát đến cùng
- Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm) cùng hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị Trung ương 10
- UBTVQH cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIV
- Kết quả chuyến thăm và làm việc tại Australia của Đoàn công tác Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Kỷ niệm trọng thể 60 năm ngày Bác Hồ về thăm cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La
- Khai mạc Phiên họp thứ 34 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
- Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, kỷ luật một số tổ chức, cá nhân