Sáng kiến “Kiểm sát việc giải quyết các vụ việc kinh doanh thương mại – Thực trạng và giải pháp kiến nghị” và hiệu quả áp dụng trong thực tiễn
Trong những năm
qua, nền kinh tế ngày càng phát triển, kéo theo các tranh chấp về kinh doanh,
thương mại (KDTM) xảy ra ngày càng nhiều. Các tranh chấp KDTM không những phức
tạp về tính chất mà còn đa dạng về nội dung với số tiền tranh chấp lớn; các chủ thể tham gia vào quan hệ tranh chấp thường
am hiểu về pháp luật, có kinh nghiệm trong lĩnh vực KDTM nên sẽ khó khăn cho việc xác định sự thật vụ án. Mặc dù chúng ta đã xây dựng được một hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ và hoàn
chỉnh, kể cả pháp luật về nội dung và pháp luật về tố tụng nhưng các cơ quan tiến
hành tố tụng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong nhận thức và áp dụng
pháp luật, thể hiện qua tỷ lệ bản án KDTM thời gian
qua bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm tuyên hủy, sửa qua từng năm còn chiếm tỷ lệ tương đối
cao
Để
góp phần thống nhất trong nhận thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công
tác kiểm sát các vụ việc KDTM, Viện KSND cấp cao tại Hà Nội đã xây dựng giải pháp “Kiểm sát việc giải quyết các vụ việc
kinh doanh, thương mại – Thực trạng và giải pháp, kiến nghị”. Giải pháp đã được công nhận là “Sáng kiến ngành Kiểm sát nhân dân”, được
áp dụng hiệu quả và có khả năng nhân rộng trong ngành Kiểm sát nhân dân trong
phạm vi toàn quốc năm 2024 (đợt 1) theo Quyết định số 48/QĐ- VKSTC ngày
19/8/2024 của Viện trưởng Viện KSND tối cao.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội
phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Viện kiểm
sát việc giải quyết các vụ việc Kinh doanh thương mại, lao động – Viện KSND cấp
cao tại Hà Nội
Sáng kiến đã chỉ
ra một số khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc
kinh doanh thương mại, cụ thể như sau:
Một là, khó khăn, vướng
mắc trong việc xác định vụ hay việc KDTM để giải quyết theo quy định tại Điều
31 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đối với yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng
cổ đông, nghị quyết của Hội đồng thành viên theo quy định của pháp luật về
doanh nghiệp. Hiện nay, hầu hết các Tòa án đều xác định đây là việc kinh doanh
thương mại nhưng thực tế những tranh chấp này rất gay gắt, mâu thuẫn về quyền lợi
giữa các bên nên cần phải được thụ lý, giải quyết theo trình tự giải quyết vụ
án KDTM mới phù hợp.
Hai là, khó khăn, vướng
mắc trong việc xác định quan hệ tranh chấp phải giải quyết là tranh chấp KDTM
hay dân sự và việc vận dụng pháp luật để giải quyết theo quy định tại Điều 29,
30, 31 Bộ luật TTDS năm 2015 và điểm b Điều 2 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP của Hội
đồng thẩm phán TAND tối cao. Sáng kiến đã chỉ ra thực trạng cùng một nhóm quan
hệ tranh chấp có tính tương đồng, có Tòa án xác định là tranh chấp KDTM nhưng có Tòa án lại xác định là tranh chấp
dân sự. Trong khi đó, việc xác định đúng quan hệ pháp
luật tranh chấp có ý nghĩa quan trọng đối với việc xác định thẩm quyền của Tòa
án cũng như việc áp dụng pháp luật nội dung để giải quyết yêu cầu của các đương
sự trong vụ án, việc xác định không đúng quan hệ pháp luật tranh chấp dẫn đến việc giải quyết và áp dụng
pháp luật thiếu thống nhất và bất cập.
Ba là,
Sáng kiến đưa ra và phân tích những khó khăn, vướng mắc trong việc xác định người
thứ ba ngay tình; việc xác định các thành viên trong hộ gia đình; việc xử lý
tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất trong đó có tài sản trên đất của người
khác (không thuộc tài sản thế chấp); việc xác định lãi trong giải quyết tranh
chấp hợp đồng mua bán hàng hóa và tuyên lãi suất trong bản án, quyết định; việc
áp dụng quy định về phạt vi phạm...
Bốn là, Sáng kiến còn
chỉ ra những bất cập trong quy định của pháp luật
quy định về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát, kiểm sát viên trong quá
trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, cụ thể:
Quy định Kiểm sát viên phải gửi ngay văn bản phát biểu ý
kiến của Viện kiểm sát cho Tòa án ngay sau khi kết thúc phiên tòa, phiên họp là
chưa hợp lý; việc lập biên bản kiểm tra biên bản
phiên tòa sau khi kết thúc phiên tòa gặp khó khăn, khó thực hiện; Bộ luật tố tụng
dân sự (BLTTDS) quy định Viện kiểm
sát có quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập
tài liệu, chứng cứ trong quá trình kiểm sát giải quyết vụ việc KDTM nhưng lại
không quy định trách nhiệm của Tòa án phải thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát, dẫn đến việc thực hiện
quyền yêu cầu còn khó khăn, chưa đạt hiệu quả; việc không quy định đồng thời việc Tòa án gửi Quyết định công
nhận thỏa thuận các đương sự, phải sao gửi luôn Biên bản ghi nhận hòa giải
thành của các đương sự; hay bất cập tại Điều 292
BLTTDS năm 2015 quy định Viện kiểm sát chỉ có thời hạn 15 ngày để vừa nghiên cứu
hồ sơ, sao chụp tài liệu và lập hồ sơ kiểm sát, cũng như lập báo cáo đề xuất
quan điểm giải quyết vụ án, thời gian này là không đủ đặc biệt đối với một số vụ
án phức tạp dẫn đến chất lượng lập hồ sơ kiểm sát chưa cao; việc chuyển hồ sơ vụ
án cho VKS chưa được Tòa án thực hiện nghiêm, nhiều trường hợp Tòa án chỉ chuyển
hồ sơ khi đã hết thời hạn kháng nghị phúc thẩm hoặc Tòa án cấp dưới ưu tiên
chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp trên để nghiên cứu giải quyết theo thủ tục giám đốc
thẩm, tái thẩm;...
Đồng thời, Sáng kiến cũng đưa ra một số khó khăn vướng mắc trong một số tình huống cụ thể và gợi ý hướng giải quyết: Về thẩm quyền giải quyết; về xác định quan hệ tranh chấp; áp dụng pháp luật; về xác định tư cách tham gia tố tụng và tống đạt văn bản, tài liệu; về thi hành quyết định của Bản án; về định giá tài sản; liên quan đến quyền lợi của người thứ ba ngay tình; về thế chấp tài sản hình thành trong tương lai; về lãi suất, phạt vi phạm; về án phí.
Đồng chí Phạm Ngọc Vỹ -
Kiểm sát viên cao cấp, Viện trưởng Viện 4 Viện KSND cấp cao tại Hà Nội tham gia
phiên tòa giải quyết vụ án KDTM
Một
số giải pháp, kiến nghị
Trên cơ sở
các vi phạm đã phát hiện và những khó khăn vướng mắc đã được chỉ ra, Sáng kiến
đưa ra một số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác
kiểm sát việc giải quyết các vụ việc KDTM như sau:
Thứ
nhất, trong
công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành: Các cấp kiểm sát cần chú trọng bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán
bộ, kiểm sát viên giàu kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm, kỹ năng phát hiện vi
phạm, kháng nghị, kiến nghị; cần tăng cường, thường xuyên kiểm tra nghiệp vụ
đối với cán bộ, kiểm sát viên; Đối với những vụ án KDTM bị cấp trên hủy, sửa án
thì lãnh đạo kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm, để chỉ ra những ưu điểm, khuyết
điểm của cán bộ nghiên cứu, KSV nhằm rút kinh nghiệm chung; Đối với những vụ án
phức tạp, có nhiều quan điểm khác nhau thì trước khi xét xử lãnh đạo cần chỉ
đạo KSV báo cáo thỉnh thị Vụ, Viện, Phòng nghiệp vụ cấp trên để xin ý kiến chỉ
đạo; tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác kiểm sát giải quyết án KDTM của
VKS cấp dưới, tập trung vào những đơn vị còn hạn chế, thiếu sót trong quá trình
kiểm sát giải quyết án KDTM, để xảy ra án bị hủy, sửa còn tương đối nhiều.
Thứ hai, tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, thông báo
rút kinh nghiệm đối với những vụ án bị hủy,
sửa có lỗi của Viện kiểm sát hoặc những vụ án mà kháng nghị có chất lượng tốt,
được Tòa án chấp nhận để các đơn vị cấp dưới cùng nghiên cứu, học tập, rút kinh
nghiệm; chú trọng công tác phối kết hợp giữa viện kiểm sát các cấp trong giải
quyết kháng nghị, nhất là việc báo cáo, tham khảo ý kiến Viện kiểm sát cấp trên
trước khi kháng nghị phúc thẩm ngang cấp; thông tin kịp thời các vi phạm để
trao đổi nghiệp vụ, chủ động thực hiện việc báo cáo kháng nghị theo quy định.
Thứ ba, nghiêm túc thực hiện kiểm sát 100% bản án,
quyết định của Tòa án và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong khâu công tác; tăng cường các
điều kiện bảo đảm thực hiện phục vụ công tác.
Từ đó, kiến nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật cả
về tố tụng và nội dung, đặc biệt là quy định về giao kết và thực hiện các hợp
đồng kinh tế; các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của các doanh
nghiệp, các tổ chức tín dụng; quan tâm bố trí đủ biên chế và kinh phí đáp ứng
hoạt động đặc thù của ngành Kiểm sát nhân dân; kiến
nghị với Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan phối hợp trong
việc cung cấp tài liệu, chứng cứ giúp cho quá trình thụ lý, giải quyết vụ án
KDTM (đặc biệt là các vụ án có yếu tố nước ngoài) của Tòa án được kịp thời,
chính xác; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp, ngân
hàng, việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và theo dõi, đôn đốc việc
thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra đã ban hành để phát hiện, xử lý kiên
quyết, dứt điểm các vi phạm, không để tồn tại kéo dài; kiến nghị với Viện trưởng Viện KSND tối cao phối hợp
với liên ngành tư pháp Trung ương nghiên cứu, ban hành các văn bản (Nghị quyết,
thông tư liên tịch…) hướng dẫn một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự như thủ
tục công khai chứng cứ và hòa giải, các thủ tục tố tụng ở các giai đoạn sơ
thẩm, phúc thẩm…; kiến nghị đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tăng cường
công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật, ban hành án lệ, tổng kết thực tiễn liên
quan đến giải quyết vụ việc KDTM…
Tập thể Viện kiểm sát việc giải quyết các vụ việc kinh doanh
thương mại, lao động – Viện KSND cấp cao tại Hà Nội tại Hội nghị triển khai
công tác năm 2024 của đơn vị.
Hiệu quả thiết thực
Sáng kiến của Viện KSND cấp
cao tại Hà Nội có giá trị to lớn về mặt lý luận và thực tiễn, được áp dụng đối
với cán bộ, kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội trong quá
trình giải quyết các vụ việc KDTM và có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo đối
với các cấp kiểm sát trong toàn Ngành; giúp cán bộ, KSV của VKSND cấp cao tại
Hà Nội nói riêng và các cấp kiểm sát của ngành Kiểm sát nhân dân nói chung có
được bộ tài liệu mang tính chuyên sâu, chỉ ra những dạng vi phạm điển hình
trong lĩnh vực án kinh doanh thương mại, từ đó giúp hạn chế vi phạm tương tự xảy
ra.
Sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả,
linh hoạt từ năm 2023 đến nay, là tài liệu tham khảo giúp các cán bộ, Kiểm sát
viên có những kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu khi nghiên cứu các vụ
việc kinh doanh thương mại và phát hiện vi phạm của Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm
khi giải quyết các vụ việc này.
Bài và ảnh: Vũ Thị Đào -
Viện 4
Thông báo khác:
- Thông báo về việc thi tuyển công chức tại VKSND tối cao, VKSND cấp cao tại Hà Nội, VKSND tỉnh Bắc Kạn (Vòng 2)
- Kết quả thi tuyển công chức kỳ tuyển dụng công chức của VKSND tối cao, VKSND cấp cao tại Hà Nội, VKSND tỉnh Bắc Kạn năm 2024 (vòng 1) và hướng dẫn các thủ tục phúc khảo
- Công khai sô liệu và thuyết minh tình hình thực hiện dự toán Ngân sách Qúy III năm 2024 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội
- Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại Hà Nội
- Danh sách kèm theo thông báo lịch thi tuyển công chức 2024
- Thông báo lịch thi tuyển công chức
- Thông báo về việc bổ sung chỉ tiêu công chức nghiệp vụ Kiểm sát tại Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội
- Công khai số liệu cắt giảm 5% dụ toán chi thường xuyên năm 2024 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội
- Danh sách kèm theo thông báo số 367/TB-VC1 ngày 23 tháng9 năm 2024
- Thông báo về việc thực hiện công tác sơ tuyển đối với các thí sinh đăng ký dự thi công chức tại VKSND tối cao, VKSND cấp cao tại Hà Nội năm 2024
- Công khai số liệu và thuyết minh tình hình thực hiện dự toán ngân sách quý II năm 2024 của VKSND cấp cao tại Hà Nội
- Công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội
- Thông báo về việc bổ sung chỉ tiêu và điều kiện, tiêu chuẩn đăng ký thi tuyển công chức công nghệ thông tin về an ninh, an toàn mạng năm 2024
- Thông báo tuyển dụng công chức năm 2024
- Thông báo bán thanh lý tài sản nhà nước
- Công bố công khai số liệu và thuyết minh tình hình thực hiện dự toán Ngân sách quý I năm 2024 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội
- Công khai thuyết minh tình hình thực hiện dự toán NSNN quý I năm 2024
- Công bố công khai số liệu và thuyết minh tình hình thực hiện dự toán Ngân sách Qúy I năm 2024 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội
- Tuyển dụng công chức văn thư, lưu trữ tại viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội năm 2024
- Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội công khai dự toán ngân sách năm 2024