Tin hoạt động Viện cấp cao

Khai giảng Lớp bồi dưỡng kỹ năng giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

(1/8/2019) | 0
Thực hiện Kế hoạch số 131/KH - VC1 ngày 29/3/2019 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội về mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, ngày 31/7/2019, VKSND cấp cao tại Hà Nội đã tổ chức khai giảng Lớp bồi dưỡng kỹ năng giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. 

Đ/c Lã Tú Anh, Phó Chánh Văn phòng tuyên bố lý do và thông qua chương trình Lớp học

Tham dự Lễ khai giảng có các đồng chí Lãnh đạo Viện là thành viên Ban Chỉ đạo biên soạn tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ VKSND cấp cao tại Hà Nội; các đồng chí lãnh đạo Viện nghiệp vụ, Văn phòng; các đồng chí giảng viên là lãnh đạo VKSND cấp cao tại Hà Nội, lãnh đạo Viện nghiệp vụ, Kiểm sát viên cao cấp cùng 86 học viên là chuyên viên, kiểm tra viên, kiểm sát viên sơ cấp, kiểm sát viên trung cấp và một số kiểm sát viên cao cấp mới được bổ nhiệm của VKSND cấp cao tại Hà Nội .

Đ/c Phạm Thị Minh Yến, Phó Viện trưởng- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo biên soạn tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ VKSND cấp cao tại Hà Nội phát biểu khai giảng Lớp học

Thay mặt Ban Chỉ đạo biên soạn tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ VKSND cấp cao tại Hà Nội phát biểu khai giảng Lớp học, đồng chí Phạm Thị Minh Yến - Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội nhấn mạnh: Công tác đào tạo bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức của VKSND cấp cao tại Hà Nội để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Thời gian qua, Lãnh đạo VKSND cấp cao tại Hà Nội đã chú trọng thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dưới nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Lãnh đạo VKSND cấp cao tại Hà Nội chỉ đạo trực tiếp xây dựng tài liệu tập huấn trên cơ sở kinh nghiệm vốn có của đơn vị và mở các lớp bồi dưỡng tại chỗ về kỹ năng nghiệp vụ, trong đó Lớp bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là Lớp học được khai giảng đầu tiên. Đây là giải pháp mang tính “đột phá” nhằm từng bước hoàn thiện kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ công chức của đơn vị để đáp ứng khối lượng công việc rất lớn trong điều kiện còn nhiều khó khăn về nhân lực và kinh phí hoạt động của đơn vị hiện nay.

Các thành viên Ban Chỉ đạo cùng Tổ biên soạn tài liệu tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

Để việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ đạt hiệu quả cao, đồng chí Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các đ/c giảng viên phải chắt lọc những nội dung thiết thực nhất trong các tài liệu đã chuẩn bị và truyền đạt ngắn gọn, dễ hiểu về từng thao tác nghiệp vụ cụ thể theo quy định của pháp luật và quy chế, quy định của Ngành; những kinh nghiệm đã đúc kết được qua thực tiễn nhiều năm công tác. Việc đào tạo tại chỗ phải mang tính “cầm tay chỉ việc” cho các học viên, nhất là các học viên là công chức trẻ, mới vào nghề;

Đồng chí cũng yêu cầu các học viên chấp hành nghiêm túc thời gian học tập, tích cực nghiên cứu, trao đổi ý kiến, tương tác trực tiếp với các giảng viên về những vấn đề thấy còn vướng mắc về nhận thức pháp luật, về xử lý những tình huống phức tạp đã gặp phải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để thảo luận tại Lớp học, trên cơ sở đó đưa ra biện pháp tháo gỡ.


Toàn cảnh Lớp học

Theo Chương trình giảng dạy, Lớp bồi dưỡng kỹ năng giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của VKSND cấp cao tại Hà Nội sẽ diễn ra trong 02 ngày (từ ngày 31/7/2019 đến hết ngày 01/8/2019) với 04 bài giảng về những kỹ năng cơ bản khi tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các loại án và kỹ năng riêng trong từng lĩnh vực giải quyết án (hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động) thông qua một số vụ án, vụ việc cụ thể mà VKSND cấp cao tại Hà Nội đã giải quyết trong thời gian qua.


Thảo luận tại Lớp học


Sau Lễ khai giảng, đồng chí Phạm Thị Minh Yến - Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội đã trực tiếp truyền đạt bài giảng đầu tiên về những vấn đề chung trong kỹ năng tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

         Theo đó, các cán bộ được phân công làm nhiệm vụ này cần nắm vững và thực hiện đúng các bước của Quy trình tiếp nhận, phân loại, thụ lý, xử lý và giải quyết đơn đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm (ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ - VKSTC ngày 20/5/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao) và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Về phương pháp nghiên cứu, trước tiên cần xem xét kỹ nội dung đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Sau đó nghiên cứu kỹ bản án, quyết định bị đề nghị kháng nghị và biên bản phiên tòa, biên bản nghị án; đối chiếu các tài liệu, các nhận định, đánh giá, quyết định được nêu trong bản án, quyết định bị đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm với các tài liệu, chứng cứ, quan điểm được nêu trong nội dung đơn đề nghị kháng nghị, trong biên bản hòa giải, đối chất và đặc biệt là biên bản phiên tòa để phát hiện những vấn đề các bên còn chưa thống nhất, còn có ý kiến khác nhau. Phải nắm chắc các quy định của pháp luật (cả pháp luật về hình thức và pháp luật về nội dung) điều chỉnh các quan hệ pháp luật và thủ tục giải quyết vụ việc mà các bên tranh chấp; có phương pháp tư duy khoa học để chọn lọc đúng các tài liệu chứng cứ cần thiết phải nghiên cứu và trích cứu tổng hợp chứng cứ; xây dựng báo cáo đề xuất giải quyết đơn trình lãnh đạo Viện đảm bảo tính khách quan, đúng pháp luật; thực hiện đúng các quy định của Ngành về lập hồ sơ kiểm sát giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm.

         Sau phần những kỹ năng cơ bản,  buổi chiều cùng ngày, Lớp học đã nghe đ/c Vũ Thị Thúy- Kiểm sát viên cao cấp, Trưởng phòng Viện 2 trình bày bài giảng về kỹ năng giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình và đã tổ chức thảo luận về một số tình huống pháp lý cụ thể thông qua một số vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất, chia thừa kế; kiện đòi tài sản, kiện đòi bồi thường thiệt hại trong hợp đồng và ngoài hợp đồng...

        

                                                                 Tin : Văn Tuyến

                                                                                             Ảnh: Thái Hưng- Huyền Trang


Tin liên quan:

Trang: 1/10
Chuyển đến: