Thông báo rút kinh nghiệm về vi phạm trong việc ban hành Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản

28/11/2019 | 0 | 0

Thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết đề nghị xem xét lại đối với Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản số 01/2019/QĐ-TBPS ngày 10/4/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh B, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội nhận thấy có một số vi phạm, cần thông báo để rút kinh nghiệm.


1.     Nội dung vụ việc


Tổng công ty RQ (Chủ nợ không có bảo đảm) là đối tác ký Hợp đồng cung cấp lọ thủy tinh các loại và nắp lọ cho Công ty VN để gia công dưa chuột muối. Thành phẩm sau gia công được giao cho Tổng công ty RQ tiêu thụ. Thực hiện Hợp đồng, Tổng công ty RQ đã nhiều lần giao lọ, nắp lọ cho Công ty VN. Hai bên đã nhiều lần thực hiện kiểm kê xác định số lọ, nắp lọ Công ty VN đã nhận sử dụng và xác nhận nợ. Lần cuối cùng xác nhận nợ là ngày 09/01/2014, Công ty VN xác nhận còn nợ số lọ thủy tinh và nắp trị giá 801.309.017 đồng chưa thanh toán và cam kết trả cho Tổng công ty RQ trước ngày 31/01/2014. Tuy nhiên sau đó Công ty VN không thanh toán được cho Tổng công ty RQ vì đã mất khả năng thanh toán.

Ngày 30/7/2014, Tòa án nhân dân tỉnh B (nơi Công ty VN đóng trụ sở) ban hành Thông báo thụ lý đơn của Tổng công ty RQ yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty VN. Quá trình sau đó, Tòa án đã ban hành Quyết định mở thủ tục phá sản, Nghị quyết hội nghị chủ nợ, Quyết định về việc đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh,…Ngày 10/4/2019, ban hành Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản số 01/2019/QĐ-TBPS, tuyên bố phá sản đối với Công ty VN.

Ngày 15/4/2019 và 22/4/2019, Công ty VN và Người có quyền, nghĩa vụ liên quan tham gia thủ tục phá sản là Ngân hàng có đơn đề nghị xem xét lại Quyết định tuyên bố phá sản nêu trên.


2. Những vi phạm cần rút kinh nghiệm


Thứ nhất, về xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết yêu cầu tuyên bố doanh nghiệp phá sản:

Sau khi nhận được Thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở phủ tục phá sản, ngày 14/8/2014, Công ty VN đã có Văn bản gửi Tòa án nhân dân tỉnh B, nội dung: Công ty VN do bị Công ty Xuất nhập khẩu TH ở Mỹ Đình – Hà Nội lừa đảo thông qua một Hợp đồng ủy thác mua máy móc thiết bị, sau đó không nhận được máy móc thiết bị cũng như không được nhận lại tiền dẫn đến phải ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán...

Mặc dù nhận được thông tin nêu trên, nhưng Thẩm phán được phân công tiến hành thủ tục phá sản đã không tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ để xác định nguyên nhân Công ty VN lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, dẫn đến không có căn cứ áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản của Công ty VN trong quá trình xem xét mở thủ tục phá sản, vi phạm quy định tại Điều 9 Luật Phá sản 2014.

Bên cạnh đó, cũng theo Văn bản báo cáo của Công ty VN, có thời điểm Công ty VN ký Hợp đồng lao động với trên 60 người lao động (có gửi cho Tòa án nhân dân tỉnh B Danh sách cán bộ nhân viên của Công ty). Tuy nhiên, Thẩm phán cũng không tiến hành xác minh, thu thập tài liệu về những vấn đề liên quan đến người lao động như các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các quyền lợi khác của người lao động theo các hợp đồng lao động đã ký với Công ty VN…

Ngoài ra, Cục thuế tỉnh B cũng có Văn bản xác định Công ty VN chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, nhưng không nêu cụ thể số tiền nợ thuế. Vấn đề này cũng không được Thẩm phán xác minh làm rõ.

Do không xác minh làm rõ các vấn đề trên nên nội dung Quyết định tuyên bố phá sản nêu không đầy đủ, không cụ thể về nghĩa vụ tài sản của Công ty VN cũng như thứ tự phân chia tài sản. Trong Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản của Tòa án nhân dân tỉnh B chỉ nêu chung chung: Phân chia tài sản sau khi có quyết định tuyên bố phá sản: Thực hiện phân chia theo quy định tại Điều 54 Luật phá sản (cỏ danh sách chủ nợ của Công ty VN kèm theo quyết định này). Việc tuyên bố chung chung, không cụ thể như vậy đã vi phạm quy định tại điểm b, d khoản 1 Điều 54 Luật Phá sản 2014, gây khó khăn, bất cập cho việc thi hành Quyết định.

Tại Điều 54 Luật Phá sản 2014 đã quy định cụ thể về thứ tự phân chia tài sản khi tuyên bố phá sản doanh nghiệp như sau: “1. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau: a) Chi phí phá sản; b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết; c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ”.


Thứ hai, về xử lý đối với khoản nợ có bảo đảm:


Theo quy định tại khoản 3 Điều 53 Luật Phá sản 2014: Việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều này được thực hiện như sau: a) Đối với khoản nợ có bảo đảm được xác lập trước khi Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thanh toán bằng tài sản bảo đảm đó; b) Trường hợp giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán số nợ thì phần nợ còn lại sẽ được thanh toán trong quá trình thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã; nếu giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn số nợ thì phần chênh lệch được nhập vào giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã”.

Trong vụ việc này, Ngân hàng A là Chủ nợ có bảo đảm (theo Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng thế chấp tài sản được lập từ năm 2010 giữa Ngân hàng A với  Công ty VN). Sau nhiều lần cam kết trả nợ nhưng không thực hiện được, Công ty VN đã giao tài sản thế chấp là nhà xưởng của Công ty cho Ngân hàng A để xử lý thu hồi nợ, thời điểm giao tài sản trước khi Tòa án nhân dân tỉnh B thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty VN. Quá trình giải quyết vụ việc yêu cầu tuyên bố phá sản, Ngân hàng A có đề nghị được thanh toán nợ bằng tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 53 Luật Phá sản 2014 là có căn cứ. Tuy nhiên yêu cầu này của Ngân hàng A không được Tòa án nhân dân tỉnh B chấp nhận. Trong Quyết định tuyên bố phá sản không áp dụng Điều 53 Luật Phá sản 2014 theo yêu cầu của Chủ nợ có bảo đảm là vi phạm pháp luật phá sản, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng.


Thứ ba, Quyết định mở thủ tục phá sản thiếu nội dung về quyền được đề nghị xem xét lại và quyền kháng nghị đối với Quyết định mở thủ tục phá sản:


Theo quy định tại Điều 44 của Luật phá sản 2014: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, người tham gia thủ tục phá sản có quyền đề nghị xem xét lại, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có quyn kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.

Tòa án nhân dân tỉnh B ban hành Quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2014/QĐ-MTTPS ngày 03/9/2014 “về việc mở thủ tục phá sản đối với Công ty VN”. Tuy nhiên, trong Quyết định này không có nội dung thông báo về quyền được đề nghị xem xét lại Quyết định mở thủ tục phá sản của người tham gia thủ tục phá sản và quyền được kháng nghị Quyết định mở thủ tục phá sản của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B. Như vậy là vi phạm quyền của những người tham gia thủ tục phá sản và quyền của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp khi thực hiện chức năng kiểm sát theo quy định của pháp luật.

Nhận thấy việc giải quyết của Tòa án nhân dân tỉnh B có nhiều vi phạm, tại phiên họp giải quyết đơn đề nghị xem xét lại đối với Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản số 01/2019/QĐ-TBPS ngày 10/4/2019, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã đề nghị và đã được Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội chấp nhận hủy Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản nêu trên, giao Hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh B giải quyết lại theo quy định của pháp luật.

 

Bài viết: Thủy Bùi (Viện 4VC1)

Thông báo khác:

Trang: 1/2
Chuyển đến: