Vấn đề bạn đọc quan tâm

ĐIỆN BIÊN PHỦ KHÔNG CHỈ LÀ ĐIỂM HẸN HÒA BÌNH MÀ CÒN CÓ NHỮNG TƯỢNG ĐÀI

(7/5/2019) | 0

Bài viết nhân kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ


Tối ngày 05/05/2019, Kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Nam phát sóng chương trình đặc biệt: “Điện Biên – Điểm hẹn Hòa Bình” nói về Điện Biên Phủ - 55 năm sau chiến thắng. Chúng tôi đều bồi hồi cảm nhận và sống theo mỗi khoảnh khắc lịch sử của chương trình.

Mặc dù chương trình chiếu phát với thời lượng chỉ có 30 phút đã kết thúc, chưa kịp cho khán giả có thời gian cảm nhận đầy đủ mọi khía cạnh của chiến thắng có tầm vóc vĩ đại song cũng đủ cho mỗi người hiểu được ý nghĩa lớn lao của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với một dân tộc Việt Nam nhỏ bé khi ấy và tác động lớn lao ảnh hưởng trên phạm vi toàn thế giới.

Những hình ảnh, nhân chứng và các phỏng vấn chiếu lướt qua trong chương trình cho khán giả kịp thấy một Điện Biên là Điểm hẹn Hòa bình nhưng cũng kịp cho thấy Điện Biên còn là một quần thể những tượng đài, những biểu tượng, trong đó có rất nhiều tượng đài đã được xây bằng đá, bằng đồng, bằng cả tấm lòng của những người dân yêu hòa bình, tin yêu vào Đảng, vào Bác và những người chiến sỹ chiến đấu vì hòa bình, độc lập tự do của cả dân tộc Việt Nam.

Chúng tôi có điều kiện đi công tác lên Điện Biên nhiều lần, mỗi lần cảm nhận gần gũi, yêu thương càng lớn dần, song càng lên Điện Biên, càng cảm thấy thân thiết như được trở về nhà. Những tượng đài ở Điện Biên cũng ngày càng được xây dựng nhiều thêm để chỉ dẫn, để nhắc nhở chúng ta hãy sống, làm việc với tinh thần Điện Biên thuở nào. Mỗi tượng đài là một câu chuyện, là một thời khắc lịch sử, một bài học về đạo đức, lòng tin mà thế hệ sau khắc ghi để tri ân thế hệ cha ông ta đã ngã xuống vì một lý tưởng cao đẹp. Bên cạnh đó cũng có những câu chuyện buồn, tuy chỉ là dấu hiệu thoảng qua những cũng làm bận lòng ta, là những trăn trở, day dứt không dễ quên. Sau nhiều lần đến Điện Biên, tôi đã đi thăm nhiều tượng đài, biểu tượng, phù điêu, các điểm di tích lịch sử ngày càng được phát hiện, trùng tu, làm mới. Tôi cũng được nghe nhiều câu chuyện về mỗi biểu tượng, tượng đài, Điện Biên sẽ còn được để lại cho thế hệ sau biết đến bằng những tượng đài, biểu tượng tiêu biểu của chiến thắng lịch sử.

Hình ảnh người chiến sỹ phất cờ chiến thắng trên nóc hầm Đờ Cát-tơ-ri được thế giới biết đến qua phim ảnh từ những năm 1954 là hình tượng của chiến thắng trong các huy hiệu, phù điêu, biểu tượng về Điện Biên Phủ, biểu tượng sức mạnh chiến thắng của một dân tộc Việt Nam nhỏ bé trước một Đế quốc hùng mạnh với đội quận viễn chinh từng thống trị rất nhiều thuộc địa trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên là động lực cho phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa, được hiểu như là dấu chấm hết cho chế độ thực dân kiểu cũ;

Tượng đài bằng đồng nổi tiếng nhất là tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, là tượng đài bằng đồng lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tượng có chiều cao 16,6m, bằng đồng thau, trong ruột kết cấu bê tông cốt thép, trọng lượng 220 tấn. Bệ tượng cao 3,6m kết cấu bêtông cốt thép, bên ngoài ốp đá mỹ nghệ, gồm 3 tầng hình chữ nhật xếp chéo lên nhau, do nhà điêu khắc Nguyễn Hải thiết kế trên cơ sở tượng Điện Biên Phủ của ông trong thập niên 60 (1960 - 1965) đặt trên đồi D1. Quần thể tượng đài gồm 3 bộ đội đứng quay lưng vào nhau, nâng một em bé Thái, trên cùng là lá cờ quyết thắng biểu trưng cho tinh thần đoàn kết, yêu chuộng hòa bình và quyết tâm giữ gìn mảnh đất thiêng liêng của Tổ Quốc. Công trình được khánh thành vào ngày 30 tháng 4 năm 2004 nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.



Tượng đài bằng đá nối tiếng nhất là Tượng đài Chiến thắng Mường Phăng, được ghép từ 102 tấm đá xanh Thanh Hóa. Khởi công lắp đặt ngày 05/01/2008, khánh thành vào tháng 3/2009. Cụm tượng đài nặng 700 tấn với chiều cao 9,8m, rộng 6m, dài 15,58m; cấu trúc của cụm tượng đài gồm 25 nhân vật cao bình quân 2,7m (13 nhân vật toàn thân, 12 nhân vật bán thân) đại diện các lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Cùng với đó là 6 lá cờ, trong đó có 5 lá cờ nhỏ cao 7m, thể hiện 5 đại đoàn tham gia chiến dịch: đại đoàn 312, 316, 308, 304, 351; 1 lá cờ lớn ở giữa là lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” cao 9m, dưới lá cờ có bức phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trang trọng ở chính giữa đọc bức thư của Bác Hồ, hai bên là Đại Tướng Hoàng Văn Thái, Phó Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Tham mưu trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ (bên phải) và đồng chí Lò Văn Hặc, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Lai Châu (bên trái). Ngoài ra các hình tượng khác tượng trưng các binh chủng đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như: pháo binh, bộ binh, công binh, thông tin, quân y, cao xạ, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, mỗi người một vẻ trông thật hoành tráng, đó còn là những tấm gương về đức hi sinh, lòng quả cảm và tinh thần yêu nước, tinh thần đấu tranh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Khối cây rừng và vũ khí, khối bệ tượng có tạo hình nghệ thuật, bệ tượng cao 1,25m, rộng 3m, dài 16,4m. Phía sau tượng là xe tăng, pháo cao xạ, toát lên hình ảnh chiến thắng oai hùng của quân và dân ta. Nhóm tượng thể hiện mối quan hệ tổng hòa, vị trí trung tâm là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh chiến dịch, các nhân vật xung quanh hướng vào giữa, hội tụ các đại biểu ưu tú của các đơn vị, thể hiện tướng sĩ một lòng, quân dân một ý chí. Khối tượng đài đặt ở không gian mở, có quy mô hoành tráng, đường nét sắc sảo, bố cục chặt chẽ, nội dung sâu sắc. Đây là một công trình văn hóa vật thể, lịch sử thể hiện lòng biết ơn đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương chiến đấu với quân thù giành lại chủ quyền cho đất nước, tượng trưng cho tinh thần bất khuất, trường tồn của chiến thắng vĩ đại, “thiên sử vàng” trong lịch sử quân sự nước nhà và cả nhân loại.



Tuy nhiên, còn một Tượng đài nổi tiếng của Điện Biên nhưng không được xây dựng bởi đồng, đá đã và đang hiện diện, ngày càng lớn hơn tại Điện Biên Phủ. Đó là Tượng đài Võ Nguyên Giáp trong lòng dân các dân tộc Tây Bắc và nhân dân các bộ tộc Lào thuộc các tỉnh phía Bắc Lào. Tôi nhớ năm 2012, khi có một chuyến đi vòng qua Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình để đến được các địa danh đã in dấu chân các lực lượng vũ trang của Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ ngày ấy. Địa danh nào khi chúng tôi dừng chân, người dân già, trẻ Tây Bắc khi tiếp đón chúng tôi với tất cả tấm lòng, đều nhất nhất tự hào về Đại tướng, họ gọi Người với một tấm lòng biết ơn và cảm phục: “Đại tướng huyền thoại”. Bức tượng đài ấy trong tôi đã lớn dần tới mức không thể dùng vật liệu, không gian, địa điểm nào xây được. Tôi như đang thấy Người đang hiện diện tại mỗi góc rừng Mường Phăng, mỗi đỉnh núi xung quanh lòng chảo Điện Biên, mỗi con suối hòa vào dòng Nậm Rốn, mỗi bài hát, điệu múa trong chương trình Điện Biên - Điểm hẹn Hòa Bình với câu nói nổi tiếng: “Tôi sống ngày nào cùng vì đất nước ngày đó”. Và tôi không tin là đến hôm nay, Người đã trở về với đất Mẹ Quảng Bình gần 6 năm rồi.



Tôi chợt nhận ra những cảm xúc tự nhiên trong chúng tôi đang dâng ùa về từ khi nào không hay, những dòng nước mắt chảy tự nhiên theo mỗi khoảnh khắc diễn biến trên màn hình, tôi cứ để những giọt nước mắt lăn dài trên má, như đang thấy Cha tôi - một Người lính cụ Hồ tham gia chiến dịch Điện Biên lịch sử trong đội hình bộ đội chính quy - cùng đồng đội đang chịu những gian khổ, dành từng tấc đất Điện Biên, bới từng mảnh xương thịt đồng đội ngã xuống bởi những luồng đạn xuyên thẳng từ lỗ châu mai, từ những trái bom, quả đạn pháo của kẻ thù ném xuống. Và tôi thấy mình thật nhỏ bé với các tiền bối, thật hạnh phúc với những gì cha anh đã hy sinh xương máu để dành cho. Những người lính thế hệ sau chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ chúng tôi, tuy không trực tiếp chịu đựng những gian khổ, hy sinh như chính cha chúng tôi trong cuộc kháng chiến chống Pháp song cũng đã thấm đẫm nỗi đau, sự khó khăn của hậu phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, niềm vui và hạnh phúc của chiến thắng ngày Giải phóng Miền Nam.



Và thốt nhiên, tôi tự nhắc mình: Khi đã trưởng thành, được Đảng và Nhà nước tin dùng, chúng tôi cùng đồng nghiệp - những cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân - vẫn càng phải rèn luyện, phấn đấu, lao động và học tập để thực hiện mơ ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đại Tướng huyền thoại, vì một đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.

Lê Song Lê 

Tin liên quan:

Trang: 1/1
Chuyển đến: