Vấn đề bạn đọc quan tâm
Cần bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân cấp cao
Dự thảo Quy
chế Tổ chức và hoạt động của Thanh tra Viện KSND do Viện KSND tối cao chủ trì,
xây dựng đã nhiều lần đưa ra lấy ý kiến góp ý trong toàn Ngành. Khi bàn về tổ
chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tại Chương II của Dự thảo, nhiều ý kiến
đề nghị cần quy định thêm về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra Viện
KSND cấp cao (Dự thảo chỉ quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra
VKSND tối cao và thanh tra VKSND cấp tỉnh).
Theo tác giả, việc không quy định về nhiệm vụ, quyền
hạn của Thanh tra Viện KSND cấp cao là một thiếu sót, bất cập. Các Viện KSND cấp
cao là cấp kiểm sát mới trong hệ thống Viện kiểm sát 4 cấp, có tổ chức bộ máy độc
lập, được giao một số nhiệm vụ, quyền hạn nhất định trong công tác cán bộ, có
trách nhiệm quản lý đối với cán bộ công chức trong đơn vị. Việc thành lập bộ
máy thanh tra và quy định về chức năng nhiệm vụ của thanh tra Viện KSND cấp cao
là hết sức cần thiết, bởi thanh tra là công cụ giúp Viện trưởng Viện KSND cấp
cao tăng cường hiệu quả quản
lý chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát công chức dưới quyền thực hiện chủ
trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Chỉ thị của Viện trưởng Viện KSND tối
cao, quy chế, quy định của Ngành, kế hoạch công tác, các quy trình, quy định của
Viện KSND cấp cao. Công tác thanh tra gắn liền với công tác cán bộ, giúp Viện
trưởng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm của cán bộ, công
chức thuộc quyền quản lý trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; đề ra các biện pháp
giúp các đối tượng bị thanh tra khắc phục, sửa chữa vi phạm; duy trì kỷ cương,
kỷ luật trong đơn vị.
Việc Dự thảo Quy chế Tổ chức và hoạt động của Thanh tra Viện KSND không quy định chức năng nhiệm vụ của
thanh tra Viện KSND cấp cao còn mâu thuẫn với một số văn bản pháp luật của
Ngành hiện đang có hiệu lực: Tại Quyết định số 11/QĐ-VKSTC-V15 ngày 20/7/2015
về việc thành lập bộ máy làm việc của các Viện KSND cấp cao (tiểu mục 2.2.3 mục
2.2 điểm 2 Điều 2) và Quy chế Tổ chức và hoạt động của các Viện KSND cấp cao
ban hành kèm theo quyết định số 26/QĐ-VKSTC ngày 20/11/2015 (điểm c khoản 2
Điều 7) đều quy định bộ máy làm việc của Viện KSND cấp cao có Phòng Tổ chức cán
bộ, thanh tra, thi đua khen thưởng (thuộc Văn phòng) và nhiệm vụ công tác thanh
tra là: Thanh tra công vụ, thanh tra nghiệp vụ, giải quyết đơn khiếu nại, tố
cáo liên quan đến cán bộ của Viện KSND cấp cao;
Quy chế công tác thanh tra trong ngành KSND được ban
hành kèm theo Quyết định số 59/QĐ - VKSTC - T1 ngày 22/02/2016 của Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao (gọi tắt là Quy chế công tác thanh tra) cũng đã quy định rõ đối tượng
và nội dung công tác thanh tra VKSND cấp cao (khoản 3 Điều 5; Khoản 4 điều 6).
Trên thực tế, thanh
tra của các Viện KSND cấp cao đang hoạt động có hiệu quả. Theo Chỉ thị, chương
trình, kế hoạch công tác của Ngành, hàng năm các Viện KSND cấp cao đều xây dựng kế hoạch
thanh tra, thành lập đoàn thanh tra và tổ chức nhiều cuộc thanh tra về nghiệp vụ,
về chấp hành kỷ luật nội vụ trong nội bộ, góp phần tích cực giúp Viện trưởng Viện
KSND cấp cao lãnh đạo các đơn vị Viện KSND cấp cao hoàn thành tốt kế hoạch công
tác hàng năm (riêng VC1 từ 2015 đến 2018, đã tổ chức 03 cuộc thanh tra nghiệp vụ,
49 cuộc thanh tra việc chấp hành kỷ luật nội vụ).
Như vậy dưới các phương diện về lý
luận, cơ sở pháp lý và thực tiễn hoạt động thì cần thiết phải duy trì chức
năng, nhiệm vụ thanh tra của các Viện KSND cấp cao. Trong điều kiện chưa thành
lập được đơn vị thanh tra độc lập như Viện KSND tối cao và Viện KSND cấp tỉnh
thì việc giao hoạt động thanh tra cho Phòng tổ chức cán bộ, thanh tra, thi đua
khen thưởng để phân công cho cán bộ phụ trách công tác thanh tra như hiện tại
là phù hợp, đúng với tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày
25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về một
số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Hiện nay, bên
cạnh việc xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của thanh tra VKSND, Viện KSND
tối cao đang giao cho các Viện KSND cấp cao tiếp tục hoàn thiện việc sửa đổi Quy
chế về tổ chức và hoạt động của Viện KSND cấp cao. Khi đưa ra lấy ý kiến về Dự
thảo Quy chế (sửa đổi), tại cuộc họp ngày 22/3/2019, do lãnh đạo Viện KSND tối
cao chủ trì thảo luận và kết luận vẫn giữ chức năng nhiệm vụ thanh tra của VKSND
cấp cao (bao gồm cả thanh tra công vụ, nội vụ và thanh tra nghiệp vụ trong nội
bộ Viện KSND cấp cao).
Như vậy, nếu
không bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra Viện KSND cấp cao
vào dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của thanh tra VKSND, sẽ dẫn đến xung đột
giữa hai Quy chế đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo để xin ý kiến Ủy ban
Kiểm sát VKSND tối cao. Vấn đề này rất cần lãnh đạo Viện KSND tối cao quan tâm,
chỉ đạo để đảm bảo sự thống nhất, tương thích trong hệ thống văn bản pháp luật
của Ngành.
Trần Thị Thanh Thủy - Văn phòng
Tin liên quan:
- Cho vay trái phép từ quỹ bảo hiểm xã hội - về xử lý nợ vay khi tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp vay vốn và trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự
- Phim tài liệu kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam
- Những dấu mốc trưởng thành của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội
- Giới thiệu “Tuyển tập thông báo rút kinh nghiệm và kiến nghị nghiệp vụ của các Viện kiểm sát nhân dân cấp cao (từ năm 2015 đến năm 2018)”
- Nhận diện vi phạm tín dụng: Lấp lỗ hổng pháp lý và quản lý hoạt động tín dụng ngân hàng
- Nhận diện vi phạm tín dụng- Bài 4: Sự cám dỗ của “miếng bánh” ngân hàng
- Nhận diện vi phạm tín dụng- Bài 3:Trách nhiệm bên thứ ba liên quan
- Nhận diện vi phạm tín dụng- Bài 2:Tranh chấp trong tín dụng ngân hàng - Muôn hình vạn trạng
- Nhận diện vi phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng
- Một số điểm mới đáng chú ý của Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019
- Giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong giai đoạn thực hành quyền công tố, KSXX phúc thẩm các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế
- Giải quyết án kiện hành chính rất cần sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của người bị kiện
- ĐIỆN BIÊN PHỦ KHÔNG CHỈ LÀ ĐIỂM HẸN HÒA BÌNH MÀ CÒN CÓ NHỮNG TƯỢNG ĐÀI
- Vướng mắc về áp dụng tình tiết định khung “Sử dụng mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” đối với tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc
- Bàn về thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ án hành chính của Tòa án
- HÀNH TRÌNH MINH OAN CHO NGƯỜI KHÔNG PHẠM TỘI NHƯNG 3 LẦN BỊ KẾT ÁN