Vấn đề bạn đọc quan tâm

Bàn về thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ án hành chính của Tòa án

(6/5/2019) | 0

Nội dung vụ án: Ông H là công chức nhà nước, công tác tại Chi cục Thuế và giữ chức vụ Chi Cục trưởng. Theo Giấy khai sinh và các giấy tờ tùy thân của ông như: Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, sổ Hộ khẩu gia đình và các loại bằng cấp chuyên môn, hồ sơ Đảng viên thì ông sinh ngày 08/8/1960. Riêng ngày tháng năm sinh trong Hồ sơ Công chức và sổ Bảo hiểm xã hội lại ghi ngày 27/3/1958. Ông H đã nhiều lần đề nghị Cục Thuế và Bảo hiểm xã hội tỉnh điều chỉnh lại ngày tháng năm sinh của ông trong Hồ sơ công chức và sổ Bảo hiểm xã hội theo Giấy khai sinh nhưng cả hai cơ quan này đều không thực hiện.

Ngày 05/01/2018, Cục trưởng Cục Thuế căn cứ Hồ sơ công chức của ông H (theo Hồ sơ này ông H sinh ngày 27/3/1958) để ban hành Quyết định cho ông H được nghỉ hưu và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) từ ngày 01/4/2018.

Ông H làm đơn khiếu nại Quyết định của Cục trưởng Cục thuế về việc cho ông nghỉ hưu để hưởng chế độ BHXH. Cục trưởng Cục Thuế đã ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại. Không đồng ý với Quyết định giải quyết khiếu nại, ông H khởi kiện hành chính, yêu cầu hủy Quyết định về việc cho ông nghỉ hưu để hưởng chế độ BHXH và Quyết định về việc giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục Thuế.

Quá trình giải quyết vụ án: Tòa án nhân dân tỉnh TH thụ lý giải quyết vụ án hành chính và ra Bản án sơ thẩm, tuyên xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông H. Hủy Quyết định hành chính về việc cho ông H nghỉ hưu, hưởng chế độ BHXH từ ngày 01/4/2018 và Quyết định giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục Thuế đối với ông H. Buộc Cục Thuế khôi phục lại mọi quyền lợi, chế độ cho ông H như trước ngày 01/4/2018.

Sau khi xét xử sơ thẩm, Cục trưởng Cục Thuế kháng cáo đề nghị hủy Bản án sơ thẩm nêu trên.

Những vấn đề cần trao đổi: Xung quanh vụ án này, có 2 quan điểm khác nhau về thẩm quyền giải quyết vụ án, tác giả đưa ra để thảo luận, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thụ lý giải quyết các vụ án hành chính.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Vì ông H đang là Chi Cục trưởng Cục thuế tỉnh, đang công tác trong ngành Thuế và chưa đến tuổi nghỉ hưu. Cục trưởng Cục thuế buộc ông H nghỉ hưu trước thời hạn có liên quan đến chế độ bảo hiểm xã hội nên ông H khởi kiện hành chính và Tòa án sơ thẩm (cấp tỉnh) thụ lý giải quyết vụ án hành chính là đúng thẩm quyền.

Quan điểm thứ 2 cho rằng: Ông H nguyên là Chi cục trưởng Cục Thuế khiếu nại 02 quyết định của Cục trưởng Cục Thuế liên quan đến công tác tổ chức cán bộ. Các quyết định này đều là văn bản hành chính được ban hành khi xem xét quyết định và giải quyết khiếu nại đối với cán bộ công chức trong công tác tổ chức cán bộ. Do đó, đây là các quyết định hành chính nội bộ của ngành Thuế nên nội bộ ngành Thuế giải quyết chứ không thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ 2, vì: Theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 30 của Luật tố tụng hành chính quy định về các khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau đây:… “Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức”.

Theo khoản 6 Điều 3 Luật tố tụng hành chính thì: Quyết định hành chính và hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan tổ chức được hiểu là những quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện kế hoạch công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao; các quyết định trong công tác tổ chức cán bộ; công tác quản lý kinh phí, tài sản được Nhà nước giao; hoặc trong công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công tác đối với cán bộ, công chức và chỉ đạo, điều hành đối với các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức.

  Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật tố tụng hành chính thì “Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống” lại thuộc thẩm quyền giải quyết (chung) của Tòa án. Theo quy định tại điểm 6 khoản 1 Điều 32 Luật tố tụng hành chính, Tòa án cấp tỉnh cũng có thẩm quyền (riêng) về giải quyết đối với “Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, bộ, ngành trung ương mà người khởi kiện có nơi làm việc khi bị kỷ luật trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án”. Điều này cho thấy không phải tất cả các quyết định hành chính mang tính nội bộ của cơ quan tổ chức đều không phải là đối tượng khởi kiện hành chính. Song trong số các quyết định hành chính mang tính nội bộ của cơ quan tổ chức, Tòa án chỉ có thẩm quyền thụ lý giải quyết duy nhất đối với khiếu kiện về “Quyết định kỷ luật buộc thôi việc”, còn lại khiếu kiện đối với các quyết định hành chính mang tính nội bộ khác của cơ quan tổ chức đều không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Đối chiếu với quy định trên, việc Tòa án nhân dân tỉnh TH thụ lý giải quyết vụ án hành chính trong trường hợp ông H khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định cho ông nghỉ hưu để hưởng chế độ BHXH và Quyết định về việc giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục Thuế đối với Quyết định cho ông H nghỉ hưu là không đúng với quy định của pháp luật. Lẽ ra, trong trường hợp này Tòa án cấp sơ thẩm cần căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 123 Luật tố tụng hành chính để trả lại đơn khởi kiện cho ông H, vì sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án./.

                                                                         

                                                                                TS. Hoàng Minh Thành

Tin liên quan:

Trang: 1/1
Chuyển đến: