Vấn đề bạn đọc quan tâm
Cho vay trái phép từ quỹ bảo hiểm xã hội - về xử lý nợ vay khi tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp vay vốn và trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự
Phần thứ 1- Cho vay trái phép từ Quỹ Bảo
hiểm xã hội
Quỹ Bảo
hiểm xã hội là một quỹ tài chính độc lập, tập trung nằm ngoài Ngân sách Nhà
nước, do Nhà nước thống nhất quản lý. Nguồn tiền của quỹ Bảo hiểm xã hội xuất
phát từ tiền dongười sử dụng lao động và người lao động đóng phí; tiền sinh lời
của hoạt động đầu tư từ Quỹ; các khoản hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn thu hợp
pháp khác. Mục đích của Quỹ là chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y
tế cho người lao động; chi phí quản lý bảo hiểm xã hội; đầu tư để bảo toàn và
tăng trưởng Quỹ theo quy định của Chính phủ và Luật Bảo hiểm xã hội…Bảo hiểm xã
hội Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất các tổ chức bảo hiểm xã hội ở
Trung ương và địa phương theo Nghị định số 19/CP ngày 16/02/1995 của Chính phủ,
là cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ, có chức năng thực hiện chính sách, chế độ
bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và quản lý quỹ Bảo hiểm xã hội theo quy định của
pháp luật.
Trong những
năm qua, hiệu quả đầu tư từ nguồn tiền của quỹ Bảo hiểm xã hội luôn là mối quan
tâm lo lắng của các nhà quản lý cũng như người tham gia bảo hiểm. Sự quan tâm
lo lắng đó hoàn toàn có cơ sở, vì trên thực tế đã xảy ra một số vụ việc gây
thất thoát lớn tài sản từ quỹ Bảo hiểm xã hội, đã có không ít tiền do đầu tư không
đúng từ Quỹ dẫn đến thất thoát, khó thu hồi. Điển hình là vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây
hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam và đối tác là Công ty
cho thuê tài chính II (viết tắt là ALC II)-là tổ chức tín dụng phi ngân hàng, là
Doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh trong lĩnh vực cho thuê tài chính, có tư cách
pháp nhân, hạch toán độc lập, trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn Việt Nam. Chỉ riêng vụ này đã gây thiệt hại gần 1.700 tỷ đồng của quỹ
Bảo hiểm xã hội.
Theo quy định tại Điều 96
và Điều 97 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 (có hiệu lực ngày 01/01/2007), Điều 11
Quyết định số 41/2007/QĐ-TTg ngày 29/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ, Bảo hiểm
xã hội Việt Nam chỉ được cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính
sách xã hội và các ngân hàng thương mại của Nhà nước vay vốn. ALC II là tổ chức
tín dụng phi ngân hàng, pháp luật không cho phép ALCII vay vốn của Bảo hiểm xã
hội Việt Nam.Tuy vậy, thời điểm tháng 02 – 03/2008, do cần vốn để kinh doanh
trong lĩnh vực cho thuê tài chính,Vũ Quốc Hảo -Tổng Giám đốc ALC II đã gặp
Nguyễn Huy Ban-Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Nguyễn Phước Tường -
Trưởng Ban Kế hoạch Tài chính kiêm Kế toán trưởng Bảo hiểm xã hội Việt Nam để đặt
vấn đề vay vốn tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Hai bên thống nhất Bảo hiểm xã hội
Việt Nam cho ALC II vay vốn nhưng phải có bảo lãnh của Ngân hàng Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Tiếp đó, theo đề nghị của
ALC II, ông Nguyễn Thế Bình - Tổng Giám đốc Agribank đã ký phát hành các Thư
bảo lãnh thanh toán để bảo lãnh cho ALC II được nhận vốn vay từ Bảo hiểm xã hội
Việt Nam, đó là: Thư bảo lãnh thanh toán số 800/NHNo-KHTHngày 13/3/2008, bảo
lãnh cho ALC II vay 500 tỷ đồng, lãi suất 0,65%/tháng;Thư bảo lãnh thanh toán
số 1441/NHNo-KHTH ngày 22/4/2008, bảo lãnh cho ALC II vay 800 tỷ đồng, lãi suất
điều chỉnh theo quy định của Tổng Giám đốc Agribank và được điều chỉnh hàng
năm, thời hạn bảo lãnh là 60 tháng. Ngày 22/10/2008, Agribank phát hành tiếp Thư
bảo lãnh thanh toán số 4407/NHNo-KHTH để thay thế 02 Thư bảo lãnh thanh toán số
800 và 1441 nêu trên, nội dung chỉ bảo lãnh cho ALC II vay tổng số tiền 400 tỷ
đồng.Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải ngân cho ALC
II vay tổng số tiền 480 tỷ đồng. Đồng thời, Thư bảo lãnh số 4407 tuy đã được Trần
Thị Thanh Thủy là chuyên viên Phòng Kế hoạch Tổng hợp thuộc Ban Kế hoạch Tài
chính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận từ ngày 27/10/2008, nhưng Thủy đã
làm thất lạc, không trình lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam nên sau đó Bảo hiểm
xã hội Việt Nam vẫn tiếp tục giải ngân cho ALC II vay thêm 530 tỷ đồng.
Tóm tắt quá trình cho vay ở Bảo
hiểm xã hội Việt Nam diễn ra như sau:Từ tháng 4/2008 đến tháng 8/2009, Nguyễn
Phước Tường- Trưởng Ban Kế hoạch Tài chính đã chỉ đạo Trần Tiến Vỹ -Trưởng
phòng Kế hoạch Tổng hợp (giai đoạn từ 01/9/200005-5/2008) và Hoàng Hà- Trưởng
phòng Kế hoạch Tổng hợp (từ 5/2008 trở đi) lập tờ trình, tham mưu cho Nguyễn
Huy Ban (Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam giai đoạn 1998-2008) và Lê Bạch
Hồng (Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam giai đoạn 2009-2014) ký 14 hợp
đồng cho ALC II vay vốn từ quỹ Bảo hiểm xã hội trái quy định của pháp luật với
tổng số tiền đã giải ngân cho vay là 1.010 tỷ đồng.
Phần thứ 2- Tuyên bố phá sản đối với Doanh nghiệp vay vốn và
giải quyết số nợ vay của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Do kinh doanh thua lỗ, mất
khả năng thanh toán nên năm 2016, ALC II làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Quá trình giải quyết vụ phá sản, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban
hành Quyết
định tuyên bố phá sản số 1009/2018/QĐ-TBPS ngày 31/7/2018, tuyên bố phá
sản và chấm dứt hoạt động đối với ALC II; đình chỉ giao dịch liên quan đến
Doanh nghiệp; thanh lý và bán đấu giá tài sản còn lại của ALC II (theoBảng kê tài sản đính kèm); xác định
quyền tài sản của ALC II (theo Danh sách
người mắc nợ đính kèm); xác định thứ tự phân chia giá trị tài sản của ALC
II(theo Danh sách chủ nợ đính kèm). Theo
đó xác định số nợ ALC II vay của Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa thanh toán đến
thời điểm Tòa án tuyên bố ALC II phá sản còn trên 1.697 tỷ đồng (hơn 769 tỷ đồng
tiền gốc và hơn 928 tỷ đồng tiền lãi).Trong số này, nợ không có bảo đảm là trên 835
tỷ đồng; nợ có bảo đảm là trên 862 tỷ đồng. Theo Quyết định tuyên bố ALC II phá
sản và các danh sách kèm theo thì các khoản nợ không có bảo đảm và khoản nợ có bảo
đảm được xếp thứ tự cuối cùng trong thứ tự phân chia giá trị tài sản còn lại
của ALC II. Điều này đồng nghĩa với việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam không có hy vọng gì trong việc thu
hồi vốn cho vay từ khối tài sản còn lại của ALC II.
Sau khi Tòa án ban hành Quyết
định tuyên bố phá sản trên,Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
đã kháng nghị; Agribank đã có đơn đề nghị xem xét lại Quyết định tuyên bố phá sản này.
Nội dung kháng nghị, đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xác định toàn
bộ số nợ của ALC II với Bảo hiểm xã hội Việt Nam là nợ không có bảo đảm (với lý
do đưa ra là các hợp đồng cho vay và các Thư bảo lãnh cho ALC II vay vốn tại Bảo hiểm xã
hội Việt Nam đã vi phạm điều cấm của pháp luật nên bị vô hiệu ngay từ
khi xác lập và trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam là
thuộc về các cá nhân có sai phạm), đề nghị sửa Quyết định tuyên bố phá sản trên
theo hướng: Hủy, đình chỉ việc giải quyết
khoản nợ của ALC II đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo thủ tục phá sản,
chuyển cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết trong Vụ án hình sự “Cố ý làm trái
quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”xảy ra tại
Bảo hiểm xã hội Việt Nam (mà Vụ án hình sự này đã được Cơ quan Cảnh sát điều
tra- Bộ Công an khởi tố theo Quyết định khởi tố vụ án số 72/C46-P13 ngày
26/12/2017). Về phía Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng có đơn đề nghị xem xét lại Quyết
định tuyên bố phá sản nêu trên, nhưng lại đề nghị xác định toàn bộ số nợ hơn 1.697
tỷ đồng nêu trên đều là nợ có bảo đảm do Agribank chịu trách nhiệm bảo lãnh.
Tại Quyết định số
27/2019/QĐ-PT ngày 06/6/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí
Minh về giải quyết đơn đề nghị xem xét
lại, kháng nghị quyết định tuyên bố phá sản đã quyết định giữ nguyên Quyết
định tuyên bố phá sản số 1009/2008/QĐ-TBPS ngày 31/7/2018 của Tòa án nhân dân
Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp sau đó, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có
Văn bản kiến nghị số 08/KN-VKSTC ngày 19/6/2019; Agribank đã có đơn đề nghị xem
xét lại Quyết định số 27/2019/QĐ-PT ngày 06/6/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao
tại Thành phố Hồ Chí Minh theo thủ tục đặc biệt.
Ngày 13/9/2019, Chánh án
Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quyết định giải quyết đơn đề nghị, kiến nghị
theo thủ tục đặc biệt số 389/2019/QĐ-PS, nội dung: Không chấp nhận kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối
cao và đề nghị của Agribank; giữ nguyên Quyết định số 27/2019/QĐ-PT ngày
06/6/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh về giải quyết
đơn đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định tuyên bố phá sản và Quyết định
tuyên bố phá sản số 1009/2018/QĐ-TBPS ngày 31/7/2018 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo quy định tại khoản 4
Điều 113 Luật Phá sản năm 2014, Quyết định giải quyết đơn đề nghị, kiến nghị theo
thủ tục đặc biệt của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cuối cùng
và có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định. Điều này đồng nghĩa thủ tục
tố tụng phá sản đối với vụ việc này đến đây đã hoàn toàn chấm dứt, dù không
đồng ý với Quyết định số 389/2019/QĐ-PS của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì cũng
không thể làm gì thêm.Vấn đề này làm gợn lên suy ngẫm về sự hạn chế, bất cập của
thủ tục phá sản hiện nay, vì để tuyên bố “tử hình” một doanh nghiệp; đình chỉ mọi
giao dịch và chấm dứt nghĩa vụ của một doanh nghiệp thì chỉ cần quyết định của cá
nhân Chánh án là xong xuôi mọi chuyện. Trong khi đó, chỉ tranh chấp 1 hợp đồng của
1 doanh nghiệp (tức chỉ một việc nhỏ của một doanh nghiệp), theo thủ tục tố tụng
dân sự có thể phải trải qua nhiều giai đoạn, nhiều phiên tòa công khai ở nhiều cấp
xét xử khác nhau (sơ thẩm, phúc thẩm thậm chí giám đốc thẩm, tái thẩm) với
nhiều hội đồng xét xử thành phần khác nhau và cơ chế giám sát cũng được pháp
luật quy định chặt chẽ, sát sao với nhiều cơ quan tiến hành tố tụng và người
tiến hành tố tụng…
Phần thứ 3- Về xác định trách nhiệm dân sự trong vụ án hình
sự “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm
trọng”xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Trở lại với Vụ án hình sự“Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản
lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam, do Cơ
quan Cảnh sát điều tra- Bộ Công an khởi tố theo Quyết định khởi tố vụ án số
72/C46-P13 ngày 26/12/2017. Trong đó Nguyễn Huy Ban, Lê Bạch Hồng, Nguyễn Phước
Tường, Hoàng Hà, Trần Tiến Vỹ, Trần Thị Thanh Thủy (06 đối tượng của Bảo hiểm xã
hội Việt Nam liên quan đến việc cho ALC II vay vốn trái phép) bị khởi tố và đã bị
đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 25/9/2019, tức là chỉ sau 12 ngày kể từ ngày
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quyết định giải quyết đơn đề nghị,
kiến nghị theo thủ tục đặc biệt số 389/2019/QĐ-PS trong vụ việc tuyên bố phá sản
đối với ALC II (nêu trên).
Bản án hình sự sơ thẩm số
297/2019/HSST ngày 25/9/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên bố các bị cáo:
Nguyễn Huy Ban, Lê Bạch Hồng, Nguyễn Phước Tường, Hoàng Hà, Trần Tiến Vỹ phạm
tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước
về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; Trần Thị Thanh Thủy phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”
và đã xử phạt tù đối với các bị cáo. Về trách nhiệm dân sự, Bản án sơ thẩm buộc
các bị cáo Nguyễn Huy Ban, Lê Bạch Hồng, Nguyễn Phước Tường, Hoàng Hà, Trần
Tiến Vỹ phải liên đới bồi thường hơn 835 tỷ đồng; buộc Agribank phải bồi thường hơn
862 tỷ đồng cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Sau xét xử sơ thẩm, Agribank
kháng cáo đề nghị sửa Bản án sơ thẩm, không buộc Agribank phải bồi thường cho
Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Tại phiên tòa phúc thẩm, Agribank tiếp tục đề nghị
không buộc trách nhiệm bồi thường số tiền hơn 862 tỷ đồng cho Agribank,vì Bảo
hiểm xã hội Việt Nam cho vay không đúng đối tượng, vi phạm quy định của pháp
luật nên giao dịch cho vay giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và ALC II và giao dịch
bảo lãnh cho ALC II vay tiền tại Bảo hiểm xã hội bị vô hiệu ngay từ thời điểm
xác lập…
Dù còn nhiều ý kiến khác
nhau, nhưng căn cứ các quyết định về tuyên bố phá sản đối với ALC II (nêu trên) đã
có hiệu lực pháp luật, đặc biệt là Quyết định giải quyết đơn đề nghị, kiến nghị
theo thủ tục đặc biệt số 389/2019/QĐ-PS ngày 13/9/2019 của Chánh án Tòa án nhân
dân tối cao (là quyết định cuối cùng theo thủ tục phá sản,vẫn đang tồn tại và không
gì đánh đổ, đã xác định số nợ có bảo đảm theo Thư bảo lãnh của Agribank là hơn 862
tỷ đồng), Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm đã bác kháng cáo của
Agribank, giữ nguyên trách nhiệm bồi thường hơn 862 tỷ đồng của Agribank đối với
Bảo hiểm xã hội Việt Nam.Với quyết định này của Tòa án cấp phúc thẩm, các bị cáo
bị quy kết phạm tội “Cố ý làm trái quy
định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”đã thoát khỏi
trách nhiệm bồi thường thiệt hại số tiền hơn 862 tỷ đồng đã được Bản án quy kết cũng do
hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra. Điều này là trái với nguyên tắc bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây
ra được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 và khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình
sự. Hơn nữa, dễ dàng nhận thấy việc buộc Agribank bồi thường thiệt hại cho Bảo
hiểm xã hội Việt Nam cũng chỉ là “đánh
bùn sang ao”, là lấy của Nhà nước để bồi thường cho Nhà nước, vì Agribank là
Ngân hàng thương mại thuộc sở hữu của Nhà nước. Do đó, khoản thiệt hại về tài sản này của
Nhà nước (do Bảo hiểm xã Hội Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý) về bản chất vẫn chưa có biện
pháp xử lý để khắc phục, mới chỉ là “giật
gấu vá vai” mà“rách thì vẫn hoàn rách”.
Tuy nhiên, qua vụ án này
cũng cho thấy cái khó của những người tiến hành tố tụng, khi“trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” do vướng mắc về pháp luật. Nếu áp dụng đúng nguyên tắc bồi thường
thiệt hại theo quy định của Bộ luật hình sự thì lại vướng bởi Quyết định số
389/2019/QĐ-PS của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao- là quyết định cuối cùng đã có hiệu
lực theo quy định của pháp luật về thủ tục phá sản. Thiết nghĩ Quốc hội cần nghiên
cứu, bổ sung cơ chế để có thể phủ định và ưu tiên lựa chọn pháp luật hình sự để giải
quyết trước, khi có nhiều loại thủ tục tố tụng cùng lúc được áp dụng, tránh những vướng mắc
kiểu này tiếp tục tái diễn.
Tin liên quan:
- Phim tài liệu kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam
- Những dấu mốc trưởng thành của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội
- Giới thiệu “Tuyển tập thông báo rút kinh nghiệm và kiến nghị nghiệp vụ của các Viện kiểm sát nhân dân cấp cao (từ năm 2015 đến năm 2018)”
- Nhận diện vi phạm tín dụng: Lấp lỗ hổng pháp lý và quản lý hoạt động tín dụng ngân hàng
- Nhận diện vi phạm tín dụng- Bài 4: Sự cám dỗ của “miếng bánh” ngân hàng
- Nhận diện vi phạm tín dụng- Bài 3:Trách nhiệm bên thứ ba liên quan
- Nhận diện vi phạm tín dụng- Bài 2:Tranh chấp trong tín dụng ngân hàng - Muôn hình vạn trạng
- Nhận diện vi phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng
- Một số điểm mới đáng chú ý của Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019
- Giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong giai đoạn thực hành quyền công tố, KSXX phúc thẩm các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế
- Giải quyết án kiện hành chính rất cần sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của người bị kiện
- ĐIỆN BIÊN PHỦ KHÔNG CHỈ LÀ ĐIỂM HẸN HÒA BÌNH MÀ CÒN CÓ NHỮNG TƯỢNG ĐÀI
- Cần bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân cấp cao
- Vướng mắc về áp dụng tình tiết định khung “Sử dụng mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” đối với tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc
- Bàn về thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ án hành chính của Tòa án
- HÀNH TRÌNH MINH OAN CHO NGƯỜI KHÔNG PHẠM TỘI NHƯNG 3 LẦN BỊ KẾT ÁN