Vấn đề bạn đọc quan tâm
Nhận diện vi phạm tín dụng- Bài 4: Sự cám dỗ của “miếng bánh” ngân hàng
Thời gian qua, nhiều sai
phạm trong ngành ngân hàng được phanh phui, xử lý. Trong đó có yếu tố chủ quan
của những sai lầm, vi phạm trong một thời gian dài.
Phân tích nguyên nhân các vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực
tín dụng ngân hàng có thể nhìn nhận thấy rõ từ những tác động của khủng hoảng
tài chính; những thiếu sót, vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp
luật; sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các cơ quan tố tụng với ngân hàng; mong
muốn trục lợi của một bộ phận cán bộ, nhân viên ngân hàng… đã tạo điều kiện cho
các đối tượng “gặm nhấm miếng bánh” ngân hàng từ nhiều phía.
Tác
động khách quan từ nhiều phía
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm vụ án “Cố ý
làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm
dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín (tiền
thân của Ngân hàng Xây dựng VNCB, nay là CB Bank) hơn 6.300 tỷ đồng. Ảnh: Thành
Chung - TTXVN
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội Lê Tư
Quỳnh phân tích, do tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế, hoạt
động đầu tư, thương mại và sản xuất kinh doanh trì trệ kéo theo nhiều khó khăn
trong hoạt động tài chính ngân hàng nên vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh
tế nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng có chiều hướng gia tăng.
Trong đó, lĩnh vực kinh doanh ngân hàng gắn trực tiếp với
tiền tệ cũng là nơi tội phạm cũng như những cán bộ ngân hàng thoái hóa biến
chất lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, tham nhũng và có các hành vi vi
phạm pháp luật, nhất là trong lĩnh vực cấp tín dụng.
Thêm vào đó, một số chính sách được ban hành (như cho phép
một ngân hàng mua cổ phiếu ngân hàng khác, các cổ đông được sở hữu cổ phiếu
nhiều ngân hàng khác nhau - sở hữu chéo) là cần thiết song do thiếu cơ chế kiểm
soát, giám sát hữu hiệu đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp, tập đoàn lạm dụng,
lũng đoạn phục vụ cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, gây ảnh hưởng đến nền kinh
tế.
Phó
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh đánh giá: “Trên thực tế,
hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ của một số tổ chức tín dụng còn yếu, còn
sơ hở, chưa được quan tâm dành nguồn lực tương xứng, dẫn tới làm suy giảm khả
năng ngăn chặn kịp thời do phát hiện chậm hoặc không phát hiện được những sai
phạm tiêu cực, tham nhũng. Các chính sách quy định quản lý kiểm soát nội bộ các
quy trình nghiệp vụ của một số tổ chức tín dụng còn nhiều bất cập, đặc biệt là
hoạt động thẩm định, quyết định cấp tín dụng”.
Mặt khác, hệ thống pháp luật còn chồng chéo, một số quy
định có tính khả thi chưa cao, gây không ít khó khăn trong quá trình triển khai
thực hiện nghiệp vụ. Việc xử lý vụ việc của cơ quan chức năng có thẩm quyền còn
chậm, kéo dài nên tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung còn hạn chế.
Nhiều
văn bản quy phạm pháp luật, văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành liên quan đến
hoạt động tín dụng ngân hàng được ban hành, tuy nhiên việc triển khai còn chậm
và gặp nhiều vướng mắc, bất cập, trong đó nổi lên là vấn đề xử lý nợ xấu. Nghị
quyết số 42/2017/QH14 cho phép ngân hàng thu giữ tài sản bảo đảm khoản nợ xấu
để thu hồi nợ, tuy nhiên Điều 301 – Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường
hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu
cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”.
Như vậy, trong mọi trường hợp nếu khách hàng nợ xấu không
tự nguyện giao tài sản thì ngân hàng buộc phải khởi kiện ra Tòa án. Đây là
nguyên nhân làm gia tăng các tranh chấp phát sinh tại Tòa án.
Trên thực tế, sự kết
nối thông tin giữa ngân hàng với các cơ quan công chứng, UBND các cấp, Tòa án,
Cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan hữu quan khác chưa nhịp nhàng, đồng
bộ, ngân hàng không nắm được thực trạng tài sản bảo đảm nên không lường trước
được các rủi ro có thể xảy ra khi ký kết các hợp đồng tín dụng. Sự phối hợp của
các cơ quan giám định khi cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định còn
chưa kịp thời và gặp không ít khó khăn vướng mắc.
Việc cung cấp tài liệu, văn bản có liên quan đến việc giải
quyết vụ án của ngân hàng, của UBND các cấp, Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng
công chứng cho cơ quan tiến hành tố tụng chưa kịp thời, làm kéo dài việc giải
quyết vụ án, ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự.
Đại
tá Nguyễn Thanh Tùng (Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Phó Giám đốc Công
an thành phố Hà Nội) nêu dẫn chứng: “Việc phối hợp phong tỏa tài khoản ngân
hàng theo Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định việc phong tỏa tài khoản đòi
hỏi Cơ quan Cảnh sát điều tra phải ra lệnh phong tỏa tài khoản. Tuy nhiên,
trong trường hợp khi người bị hại trình báo thì không đủ thời gian, căn cứ để
ra lệnh phong tỏa tài khoản, không đảm bảo được số tiền mà người bị hại bị
chiếm đoạt. Chính vì vậy, nếu như các ngân hàng cứ máy móc thì số tiền của bị
hại nhiều khả năng bị đối tượng xấu chiếm đoạt, bởi chỉ trong vòng một vài giờ
đồng hồ là có thể dễ dàng chuyển khoản toàn bộ số tiền đó ra nước ngoài”.
Mặt khác, việc phối hợp cung cấp tài liệu phục vụ công tác
điều tra chưa được nhiều ngân hàng quan tâm; việc cung cấp thông tin, sao kê
tài khoản, các giao dịch ngân hàng thường trả lời rất chậm... “Nếu như vậy
chúng tôi không thể đảm bảo giải quyết nhanh, kịp thời, dẫn tới khó khăn trong
công tác điều tra” – Đại tá Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh.
Những
“con sâu” đục khoét “miếng bánh” ngân hàng
Thời gian qua, nhiều sai phạm trong ngành ngân hàng được phanh
phui, xử lý. Trong đó có yếu tố chủ quan của những sai lầm, vi phạm trong một
thời gian dài. Một bộ phận cán bộ, nhân viên ngân hàng là người có chức vụ,
quyền hạn, biết rõ hành vi của mình là vi phạm nhưng do hám lợi nên vẫn cố ý
thực hiện hành vi phạm tội hoặc thiếu trách nhiệm nên không làm hoặc làm không
hết trách nhiệm của mình, năng lực hạn chế, thiếu hiểu biết pháp luật, không
tuân thủ quy định, quy trình thẩm định tài sản thế chấp, kiểm tra mục đích vay,
nguồn vốn sau khi giải ngân dẫn đến tài sản bị chiếm đoạt hoặc thất thoát.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội
Nguyễn Quang Thành cho rằng, có những khách hàng của tổ chức tín dụng ngay từ
đầu vì hám lợi đã cố ý tạo dựng hồ sơ, dự án giả mạo để lập hợp đồng vay vốn,
chiếm đoạt tài sản hoặc có trường hợp vì nhu cầu vay thực nhưng không đủ điều
kiện song vẫn cố ý đưa ra các thông tin sai sự thật để được vay vốn. Ngân hàng
và cán bộ tín dụng không thể biết hoặc do không kiểm soát chặt chẽ nên không
phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm và tội phạm.
Đó là còn chưa kể đến một bộ phận cán bộ thuộc UBND, Phòng
công chứng và các cơ quan có thẩm quyền khác do thiếu trách nhiệm nên không làm
hoặc làm không hết trách nhiệm nên để xảy ra vi phạm (cấp Giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất không đủ điều kiện, công chứng, chứng thực không đúng thủ tục, công
chứng vào bản sao, giấy tờ giả, người ký không đúng thẩm quyền…).
Hệ lụy từ các hành vi
này làm cho các giao dịch bị vô hiệu và nghiêm trọng hơn, nó còn tạo cơ hội,
tiền đề phát sinh tội phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng. Mặc dù xảy ra
nhiều vi phạm, song công tác thanh tra, kiểm tra, xem xét xử lý của cơ quan có
thẩm quyền đối với vi phạm của cá nhân, của tổ chức vẫn chưa thường xuyên kịp
thời.
Một trong các nguyên nhân vi phạm làm nảy sinh
tranh chấp nữa là do khách hàng vay vốn sử dụng vốn không đúng mục đích, làm
thất thoát tài sản của Nhà nước, của tổ chức tín dụng. Vì vậy, các tổ chức tín
dụng cần phải giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng nguồn vốn vay của khách hàng
trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng, kiểm tra xem bên vay đã sử dụng số
tiền vay đúng mục đích hay không. Thông qua việc giám sát này, nếu thấy có dấu
hiệu mất khả năng thanh toán, cán bộ tín dụng cần kịp thời báo cáo lãnh đạo có
phương án xử lý.
Để khắc phục được những nguy cơ có thể dẫn đến
vi phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng, đòi hỏi cần phải có những giải pháp
đồng bộ, kịp thời, hữu hiệu nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm trong hoạt động của
các tổ chức tín dụng./.
Văn Tuyến & Đình Đức ST
- Nguồn: Kim Anh/TTXVN
Bài cuối: Lấp lỗ hổng
pháp lý và quản lý hoạt động tín dụng ngân hàng
Tin liên quan:
- Cho vay trái phép từ quỹ bảo hiểm xã hội - về xử lý nợ vay khi tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp vay vốn và trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự
- Phim tài liệu kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam
- Những dấu mốc trưởng thành của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội
- Giới thiệu “Tuyển tập thông báo rút kinh nghiệm và kiến nghị nghiệp vụ của các Viện kiểm sát nhân dân cấp cao (từ năm 2015 đến năm 2018)”
- Nhận diện vi phạm tín dụng: Lấp lỗ hổng pháp lý và quản lý hoạt động tín dụng ngân hàng
- Nhận diện vi phạm tín dụng- Bài 3:Trách nhiệm bên thứ ba liên quan
- Nhận diện vi phạm tín dụng- Bài 2:Tranh chấp trong tín dụng ngân hàng - Muôn hình vạn trạng
- Nhận diện vi phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng
- Một số điểm mới đáng chú ý của Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019
- Giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong giai đoạn thực hành quyền công tố, KSXX phúc thẩm các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế
- Giải quyết án kiện hành chính rất cần sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của người bị kiện
- ĐIỆN BIÊN PHỦ KHÔNG CHỈ LÀ ĐIỂM HẸN HÒA BÌNH MÀ CÒN CÓ NHỮNG TƯỢNG ĐÀI
- Cần bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân cấp cao
- Vướng mắc về áp dụng tình tiết định khung “Sử dụng mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” đối với tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc
- Bàn về thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ án hành chính của Tòa án
- HÀNH TRÌNH MINH OAN CHO NGƯỜI KHÔNG PHẠM TỘI NHƯNG 3 LẦN BỊ KẾT ÁN