Tin hoạt động ngành kiểm sát

phần II- viện kiểm sát nhân dân thời kỳ 1960 - 1986

(15/4/2020) | 0

PHẦN II- VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THỜI KỲ 1960 - 1986

1.    Thời kỳ từ 1960 đến 1975

Đây là thời kỳ hệ thống tổ chức Viện kiểm sát nhân dân các cấp được hình thành và triển khai hoạt động ở miền Bắc. Thực hiện Hiến pháp năm 1959, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960, kế thừa kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của Viện công tố, toàn ngành Kiểm sát nhân dân vừa tiến hành củng cố, xây dựng lực lượng, tổ chức bộ máy, vừa thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo định hướng công tác kiểm sát gắn với việc phục vụ các nhiệm vụ chính trị, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Điều 1 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960 quy định, Viện kiểm sát thực hiện chức năng: “Kiểm sát việc tuân theo pháp luật, làm cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế dân chủ nhân dân được giữ vững. Mục đích của việc kiểm sát là bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, trật tự xã hội, tài sản công cộng và những quyền lợi hợp pháp của công dân, góp phần đảm bảo cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh nhằm thực hiện thống nhất nước nhà được tiến hành thắng lợi”.

Cũng theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960, Viện kiểm sát có sáu công tác sau: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các nghị quyết, quyết định, thông tư, chỉ thị của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ và cơ quan nhà nước địa phương; Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của nhân viên cơ quan nhà nước và công dân; Điều tra những việc phạm pháp về hình sự và truy tố trước Tòa án nhân dân những người phạm pháp về hình sự; Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra của cơ quan Công an và của các Cơ quan điều tra khác; Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử của các Tòa án nhân dân và trong việc chấp hành các bản án; Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giam giữ của các trại giam; Khởi tố hoặc tham gia tố tụng trong những vụ án dân sự quan trọng liên quan đến lợi ích của Nhà nước và của nhân dân.

Hệ thống tổ chức gồm có: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Viện kiểm sát nhân dân địa phương và các Viện kiểm sát quân sự. Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương gồm có: Viện kiểm sát nhân dân ở các khu vực tự trị (Viện kiểm sát nhân dân tối cao căn cứ vào đặc điểm tình hình của các khu tự trị mà tổ chức Viện kiểm sát nhân dân địa phương các cấp trong khu tự trị. Viện kiểm sát cấp khu tự trị là cấp trên của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh); Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương; Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố thuộc tỉnh, thị xã hoặc đơn vị hành chính tương đương.

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động là tập trung thống nhất lãnh đạo theo ngành dọc. Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo. Khi thực hiện nhiệm vụ của mình, các Viện kiểm sát nhân dân địa phương có quyền độc lập, các cơ quan nhà nước khác không được can thiệp. Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện kiểm sát nhân dân cấp trên và sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Trong giai đoạn này, ngành Kiểm sát nhân dân được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Chính trị và các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước. Ngày 01/02/1963, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về công tác kiểm sát. Đây là một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng đối với ngành Kiểm sát nhân dân. Nghị quyết đã xác định những định hướng quan trọng về tổ chức và hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân: “Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân của ta là một trong những công cụ chuyên chính của Nhà nước dân chủ nhân dân đang làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản, được tổ chức ra giữa lúc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc bắt đầu lấy việc xây dựng chủ nghĩa xã hội làm trọng tâm, đồng thời hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa. Ngành Kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật, làm cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế xã hội chủ nghĩa được tôn trọng, do đó mà góp phần vào việc tăng cường chuyên chính đối với bọn phản cách mạng, bảo đảm các quyền dân chủ của nhân dân được tôn trọng; đồng thời cũng góp phần vào việc tăng cường kỷ luật xã hội trong quần chúng nhân dân”.

Xác định công tác kiểm sát thực chất là công tác chính trị, quán triệt các nghị quyết của Đảng, hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân trong giai đoạn này là tập trung phục vụ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng quan hệ sản xuất mới ở miền Bắc, bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân, trấn áp bọn phản cách mạng và bọn tội phạm. Khi chiến tranh phá hoại mở rộng ra miền Bắc, công tác kiểm sát đã kịp thời chuyển hướng hoạt động, phục vụ các yêu cầu của thời chiến trên cả hai mặt trận sản xuất và chiến đấu. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các ngành Công an, Tòa án tập trung chống địch phá hoại, nghiêm trị bọn gián điệp, biệt kích và phản động, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật gây cản trở việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội và chi viện cho tiền tuyến; đấu tranh khắc phục các biểu hiện buông lỏng kỷ luật thời chiến, vi phạm các quyền dân chủ của nhân dân. Chống các hành vi phá hoại kinh tế, làm tốt công tác kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử để xử lý nghiêm khắc và kịp thời các phần tử phá hoại sản xuất, máy móc, thiết bị, kho tàng, tài sản của Nhà nước và tập thể, tích cực phục vụ cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu và cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp; bảo đảm chính sách hậu phương quân đội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân. Phương châm tiến hành công tác kiểm sát là vừa chống, vừa xây, lấy xây làm mục đích; vừa chống, vừa phòng ngừa vi phạm và tội phạm; vừa xây dựng, vừa chiến đấu; tranh thủ sự lãnh đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, dựa vào quần chúng, đoàn kết phối hợp tốt với các ngành. Với phương châm vừa chiến đấu vừa xây dựng, ngành Kiểm sát đã từng bước xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành. Công tác kiểm sát giai đoạn này cũng đã thể hiện rõ tư tưởng của đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đầu tiên: Công tác kiểm sát thực chất là công tác chính trị, công tác kiểm sát phải phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Quán triệt các Nghị quyết của Trung ương về các cuộc vận động "ba xây, ba chống” trong các cơ sở công nghiệp quốc doanh, vận động cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp, vận động dân chủ ở miền núi, hoạt động kiểm sát bước đầu hướng vào lĩnh vực quản lý kinh tế ở một số xí nghiệp, nông trường quốc doanh. Cùng với việc xử lý một số trường hợp cố ý làm trái các chế độ chính sách của Nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đề xuất với Trung ương một số vấn đề về tăng cường công tác quản lý sản xuất nông nghiệp của hợp tác xã. Hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân đã chú trọng bám sát hai vấn đề mà Đảng và Nhà nước quan tâm, đó là việc bảo vệ quyền dân chủ ở nông thôn và bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, chống tham ô, lãng phí của công. Qua kết quả kiểm sát tại chỗ hàng trăm hợp tác xã nông nghiệp, Viện kiêm sát nhân dân tối cao đã kiến nghị với Đảng và Nhà nước ban hành Điều lệ mẫu hợp tác xã nông nghiệp.

Trên lĩnh vực bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, ngành Kiểm sát nhân dân đã tập trung vào việc đấu tranh chống các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và các loại tội phạm nguy hiểm khác. Viện kiểm sát các cấp đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra và Toà án tập trung đấu tranh, trấn áp kịp thời các hoạt động gián điệp, phá hoại, hoạt động phỉ, gây bạo loạn, hoạt động lợi dụng tôn giáo, gây chia rẽ trong nội bộ nhân dân...

Từ năm 1965, miền Bắc trực tiếp đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa sản xuất, vừa chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, vừa phải ra sức chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Trước tình hình mới, Viện kiểm sát các cấp tập trung hoạt động phục vụ các nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ vật tư quốc phòng, hàng hoá do các nước anh em và bè bạn viện trợ, đấu tranh chống các hành vi trộm cắp, tham ô, phân phối, sử dụng sai chính sách, chế độ... Nhiều Viện kiểm sát địa phương đã tích cực chủ động phối hợp với Toà án đưa ra truy tố, xét xử một số vụ án điển hình; trừng trị nghiêm khắc các hành vi xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, vật tư quốc phòng, quân trang, lương thực, các vụ đầu cơ, buôn lậu, làm giả tem phiếu, móc ngoặc trong việc phân phối hàng hoá, vật tư sai chế độ chính sách làm ảnh hưởng đến sức chiến đấu của quân đội và đời sống của nhân dân. Qua việc thực hành quyền công tố các vụ án tại phiên toà, Viện kiểm sát đã vạch trần hành vi phạm tội của các bị cáo, đề xuất mức xử lý nghiêm minh, đồng thời kiến nghị với các cơ quan hữu quan khắc phục thiếu sót, khuyết điểm trong công tác quản lý, có tác dụng phòng ngừa cao. Cùng với nhiệm vụ đấu tranh, xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thường xuyên kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc chấp hành các chính sách hậu phương quân đội, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ lao động thời chiến; kịp thời giải quyết các vụ xâm phạm trật tự trị an ở các vùng có chiến sự, các vụ hình sự, dân sự, ly hôn có quan hệ đến quân nhân. Trong thời kỳ này, ngành Kiểm sát nhân dân cũng đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề về từng khâu nghiệp vụ, về đấu tranh chống từng loại tội phạm, tổng kết công tác kiểm sát phục vụ chính sách dân tộc của Đảng, tổ chức rút kinh nghiệm về một số biện pháp nghiệp vụ.

Về công tác xây dựng ngành, đã tập trung làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Mở trường đào tạo cán bộ kiểm sát để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp lý và nghiệp vụ cho cán bộ của ngành và đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ. Cuối năm 1972, Ban công tác miền Nam thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao được thành lập, với nhiệm vụ xây dựng đề án về tổ chức cán bộ, về phương thức hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân ở các tỉnh phía Nam. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã cùng với hai ngành Toà án và Công an thống nhất chủ trương xây dựng đường lối công tác tư pháp ở vùng mới giải phóng và đào tạo đội ngũ cán bộ cho miền Nam. Nhờ có sự chủ động chuẩn bị, sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ngành Kiểm sát đã kịp thời điều động hàng trăm cán bộ thuộc Viện kiểm sát các cấp, khẩn trương xây dựng hệ thống các cơ quan Viện kiểm sát ở các tỉnh phía Nam để triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành, góp phần bảo vệ các thành quả của cách mạng và giữ vững an ninh chính trị, trật tự trị an ở vùng mới giải phóng.

2.     Thời kỳ từ năm 1975 đến năm 1986

Từ năm 1975 đến năm 1981, Viện kiểm sát nhân dân triển khai tổ chức và hoạt động trên cả nước, tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ; xây dựng và kiện toàn tổ chức theo quy định của Hiến pháp năm 1959 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960.

Ngày 18/12/1980, Quốc hội khóa VI, Kỳ họp thứ 7 thông qua Hiến pháp năm 1980. Hiến pháp năm 1980 có 05 điều hiến định về Viện kiểm sát nhân dân, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy nhà nước và bổ sung những quy định mới, xác định chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân: “Kiểm sát việc tuân thủ theo pháp luật của các bộ và cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức xã hội và đơn vị vũ trang nhân dân, các nhân viên nhà nước và công dân, thực hành quyền công tố, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”; khẳng định các nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản của Viện kiểm sát nhân dân là nguyên tắc độc lập và tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành.

Trên cơ sở Hiến pháp năm 1980, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981 được ban hành, quy định cụ thể các nhiệm vụ: “Trong phạm vi chức năng của mình, các Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự tôn trọng tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân. Mọi hành động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tập thể và quyền lợi chính đáng của công dân đều phải được xử lý theo pháp luật”.

Hệ thống tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân trong giai đoạn này gồm: Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố; Viện kiểm sát nhân dân các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và hệ thống Viện kiểm sát quân sự (gồm có: Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện kiểm sát quân sự cấp thứ hai, Viện kiểm sát quân sự khu vực).

Từ năm 1976 đến năm 1986 là giai đoạn cả nước tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh vừa hòa bình lại vừa có chiến tranh xảy ra ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, thời kỳ này, ngành Kiểm sát được tổ chức và hoạt động trên phạm vi toàn quốc, có nhiệm vụ chung là bảo vệ pháp chế thống nhất. Nhưng do nhiệm vụ của cách mạng ở hai miền còn khác nhau nên công tác kiểm sát ở mỗi miền cũng có những đặc điểm riêng. Viện kiểm sát các tỉnh phía Bắc tập trung làm tốt ba nhiệm vụ là bảo vệ tài sản và chế độ quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ các quyền dân chủ của nhân dân; bảo vệ trật tự xã hội và an ninh chính trị. Viện kiểm sát các tỉnh phía Nam cùng với các ngành chuyên chính, trấn áp kịp thời, mạnh mẽ bọn phản cách mạng, gián điệp, phản động, các tổ chức vũ trang gây bạo loạn, xúi giục, lừa đảo người trốn đi nước ngoài. Tập trung vào việc đấu tranh xoá bỏ giai cấp tư sản mại bản phản động đầu cơ, tích trữ, phá rối thị trường, chống các tệ nạn xã hội. Tích cực phục vụ chủ trương, chính sách thống nhất tiền tệ, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và thực hiện cách mạng quan hệ sản xuất ở nông thôn, coi đó là nhiệm vụ hàng đầu để ổn định tình hình vùng mới giải phóng.

Hàng năm, ngành Kiểm sát nhân dân căn cứ vào chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội để xác định chủ trương, nhiệm vụ và trọng tâm công tác cụ thể; chủ động, tích cực trong thực hiện chức năng nhiệm vụ, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, đấu tranh phòng chống vi phạm và tội phạm, khắc phục các biểu hiện tiêu cực, giữ gìn kỷ cương xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đảm bảo an ninh, trật tự và củng cố quốc phòng, kịp thời và kiên quyết đưa ra truy tố, xét xử loại trọng tội, bảo vệ và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động.

Trong giai đoạn này, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã cùng với Toà án nhân dân tối cao và Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) thống nhất đường lối xử lý đối với một số loại tội phạm mới. Đã truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án gián điệp, bạo loạn, lợi dụng hoạt động tôn giáo để chống phá Nhà nước, những kẻ lưu manh chuyên nghiệp, côn đồ hung hãn, những cán bộ thoái hoá, biến chất phạm tội... Điển hình là đã đưa ra truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia như vụ phản cách mạng ở nhà thờ Vĩnh Sơn; vụ Lê Quốc Tuý, Mai Văn Hạnh... Qua đó, đã vạch trần trước dư luận trong và ngoài nước những âm mưu, hành động phá hoại nhiều mặt chống Nhà nước và nhân dân. Đồng thời, rút ra những bài học cảnh giác trước âm mưu của kẻ địch.

Thông qua công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật ở một số ngành quản lý kinh tế trọng điểm và đơn vị sản xuất kinh doanh, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phát hiện và báo cáo với Đảng và Nhà nước về những sơ hở trong các chủ trương, biện pháp quản lý mà những đối tượng vụ lợi có thể lợi dụng để thực hiện hành vi làm trái chính sách, chế độ... giúp Trung ương xem xét để có những bổ sung, chấn chỉnh kịp thời. Nhiều Viện kiểm sát địa phương đã chủ động đề xuất với cấp uỷ, chính quyền địa phương mở hội nghị pháp chế để kiểm điểm việc chấp hành pháp luật ở địa phương. Qua đó, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong cán bộ, lãnh đạo các cấp, các ngành, tăng cường pháp chế tại địa phương.

Để góp phần bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân, Viện kiểm sát các cấp đã tăng cường hoạt động kiểm sát điều tra, kiểm sát hoạt động bắt, giam, giữ và tập trung cải tạo; tăng cường kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hữu quan để kịp thời phát hiện vi phạm, ban hành kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.

Về công tác xây dựng ngành, trên cơ sở Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã xây dựng Quy chế ngạch Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân trình Hội đồng Nhà nước phê duyệt. Đồng thời, xây dựng các quy chế công tác, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc của mỗi cấp kiểm sát, các quy chế về trình tự hoạt động của từng phương thức kiểm sát làm cơ sở đưa hoạt động kiểm sát đi dần vào nề nếp và bảo đảm sự lãnh đạo tập trung thống nhất trong ngành. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ trong ngành được thực hiện ở tất cả các cấp với những hình thức thích hợp: Tập trung tại trường, tại chức, tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn trong nước và nước ngoài. Công tác tổng kết nghiệp vụ, xây dựng lý luận khoa học công tác kiểm sát được chú trọng; ngành Kiểm sát nhân dân đã bước đầu xây dựng được hệ thống giáo trình các môn học công tác kiểm sát tương đối hoàn chỉnh. Quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát với các cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan hữu quan được tăng cường, đạt hiệu quả tích cực. Hoạt động hợp tác tương trợ giữa Viện kiểm sát Việt Nam với Viện kiểm sát các nước xã hội chủ nghĩa anh em được duy trì và từng bước mở rộng.

 



Người  soạn tin:   Thu Bắc- Đình  Đức


Tin liên quan:

Trang: 1/2
Chuyển đến: