Tin hoạt động Viện cấp cao

Tâm sự của một cán bộ kiểm sát mới vào Ngành

(22/7/2020) | 0

Tôi đã được đọc ở đâu đó một câu nói mà tôi rất thích: “Mỗi cuộc gặp gỡ trong cuộc đời đều là duyên phận, không có đúng sai. Mỗi buổi sáng trong cuộc đời đều phải cố gắng, không nên trì hoãn”. Tôi đến với ngành Kiểm sát có lẽ là do chữ “duyên” đó. Tôi nộp hồ sơ và may mắn khi thi đỗ công chức, được tuyển dụng vào Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội. Mặc dù trước đây tôi đã làm việc ở doanh nghiệp bên ngoài nhưng ngày đầu tiên đến cơ quan làm việc tôi vẫn hồi hộp, mọi thứ đều mới mẻ, công việc thực tế quả là khác xa với những kiến thức trong nhà trường. Tôi tiếp cận những hồ sơ đầu tiên với trạng thái lo lắng bởi kiến thức và kinh nghiệm còn non nớt của mình. Nhưng thật may mắn, khi tôi được các cô chú và các anh chị trong cơ quan nhiệt tình giúp đỡ, chỉ bảo cho biết về công việc, cách làm từ những bước nhỏ nhất như lựa chọn các bút lục quan trọng, sắp xếp hồ sơ, đánh dấu bút lục trong hồ sơ kiểm sát đến cách tiếp cận và báo cáo một vụ án. Bởi sự chỉ bảo và phân tích các tình huống cụ thể mà dần dần tôi cũng thích nghi được với công việc và tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm cho mình.


Ngoài công tác nghiên cứu, giải quyết các hồ sơ án tôi còn được phân công làm công tác văn phòng. Với tôi có lẽ đây là cơ hội tuyệt vời để tôi được tiếp xúc nhiều hơn với mọi người trong cơ quan, để được nghe nhiều hơn những tâm sự, những kỷ niệm của mọi người với nghề, để được hiểu hơn về ngành Kiểm sát, về những nỗi trăn trở của những kiểm sát viên. Đôi khi tôi xúc động khi nghe những câu chuyện của các cô chú lãnh đạo và các kiểm sát viên có tuổi ở cơ quan về những thời gian đầu vào Ngành. Lúc đó đất nước còn nghèo, cơ sở vật chất của Ngành còn thiếu thốn nhiều nhưng các cô chú vẫn cố gắng vượt qua khó khăn để giữ niềm đam mê với nghề. Các cô chú kể những chuyện đã qua với những khuôn mặt rạng rỡ như đó là những kỷ niệm đẹp trong nghề, sự nhiệt huyết không bao giờ phai ấy như động lực thúc đẩy những thế hệ trẻ chúng tôi cần phải cố gắng trau dồi kiến thức và kinh nghiệm để trở thành những kiểm sát viên giỏi, đóng góp cho đất nước bởi chúng tôi được sinh ra và vào Ngành ở những điều kiện thuận lợi hơn, đầy đủ hơn, được tiếp cận nhiều thông tin hơn. Thỉnh thoảng, tôi lại được nghe những câu chuyện của các chị kể về những trải nghiệm đã qua như những ngày đi trực đêm, những lần đi khám nghiệm tử thi khó khăn vất vả như thế nào. Có cả những câu chuyện về những lần đi hỏi cung phải đối mặt với những bị can lì lợm phải vận dụng cả lý luận sắc bén nhưng vẫn phải dùng cả tình cảm để họ khai báo thành khẩn mong được sự khoan hồng. Thậm chí, còn có những tình huống thực sự thương cảm như những ánh mắt của người mẹ già ở phiên tòa bất lực nhìn đứa con vì dại dột, non nớt không làm chủ được mình đã phải chịu hình phạt của pháp luật, đôi khi là hình ảnh những đứa trẻ có bố mẹ là nạn nhân trong một vụ án giết người, hay những đứa trẻ có bố mẹ phạm tội được người thân đưa đến tham gia phiên tòa vẫn ngây ngơ, hồn nhiên mà không biết sau khi tuyên án có thể chúng sẽ không được gặp lại người thân, không được sống trong tình yêu thương của cha mẹ. Có lẽ một cán bộ kiểm sát cần “Cái đầu lạnh và trái tim nóng” là đúng bởi “Cái đầu lạnh” để làm việc một cách công tâm nhưng “Trái tim nóng” là trái tim giàu nhiệt huyết, yêu ngành, yêu nghề, biết yêu thương, chia sẻ và đồng cảm với mỗi hoàn cảnh, mỗi phận người trong từng vụ việc mình thụ lý, giải quyết để từ đó có thêm ý chí và động lực trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ công bằng và lẽ phải. Vào cơ quan, tôi cũng thấy được những sự băn khoăn, trăn trở của các đồng nghiệp khi gặp những vụ án dân sự phức tạp, những vụ án nhiều vấn đề mà cấp sơ thẩm chưa làm rõ hoặc có những vi phạm tố tụng cần xem xét kỹ để có đề xuất hợp lý, bảo vệ quyền lợi đúng đắn của các đương sự hay những vụ hình sự đòi hỏi phải phân tích, nghiên cứu cẩn thận để xét xử đúng người đúng tội, tránh oan sai. Được nghe và được chứng kiến, tôi càng hiểu hơn về Ngành mà tôi đang theo đuổi. Để góp phần gìn giữ sự bình yên cho mọi người, để góp phần đấu tranh chống tội phạm, góp phần bảo vệ công lý thì những cán bộ kiểm sát đôi khi phải hy sinh những đêm trực xa gia đình, những ngày làm việc thông trưa, những bữa cơm vội vàng và cả những ngày nghỉ, ngày lễ vẫn ở cơ quan để cố gắng hoàn thành công việc. Tôi cũng hiểu ra rằng, mỗi bản án hình sự được tuyên sẽ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, thậm chí là quyền sống của một con người; mỗi bản án dân sự sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, cuộc sống của các đương sự, thậm chí cả danh dự, quyền lợi của một gia đình, một dòng tộc. Do đó, mỗi cán bộ kiểm sát cần xem xét cẩn trọng, kỹ lưỡng trước khi đưa ra quan điểm giải quyết một vụ án chứ không thể xem xét qua loa, cẩu thả.


Thời gian làm việc hơn một năm qua ở cơ quan không quá dài nhưng cũng giúp tôi hiểu được nhiều điều. Nó giúp tôi tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu của các thế hệ đồng nghiệp đi trước, giúp tôi hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát và trách nhiệm của một cán bộ kiểm sát. Cơ quan như là ngôi nhà thứ hai của tôi, nơi tôi cảm nhận được tình cảm yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ nhau như các thành viên trong gia đình, nơi hàng ngày tôi được truyền thêm động lực để vững tâm với nghề, đúng như cảm xúc trong những câu thơ mà một lãnh đạo của tôi đã viết:


Về với Viện Dân sự

Tôi gặp lại nét thân quen của “Ngôi nhà Phúc thẩm”

Nơi tình cảm anh em chú cháu quây quần

Với công việc cùng nhau tận tâm và trách nhiệm

Bàn tay có ngón ngắn, ngón dài, có thông cảm sẻ chia…”


Là một cán bộ kiểm sát, chắc hẳn ai cũng khắc ghi mười chữ vàng mà Bác Hồ đã dạy đối với cán bộ kiểm sát, đó là: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Công minh là thực thi nhiệm vụ một cách công bằng và sáng suốt, không thiên vị cá nhân, không tư lợi bất chính. Chính trực là ngay thẳng, trung thực mà kiên quyết bảo vệ cái đúng, bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ công lý. Khách quan là phải phân biệt rõ phải trái, xác định được đúng sai, đâu là sự thật, đâu là gian dối, phiến diện, tránh suy diễn, xuyên tạc thực tế theo định kiến cá nhân mà dẫn đến sai lầm. Thận trọng là tận tâm, tận lực để xem xét, giải quyết công việc một cách toàn diện, đầy đủ, tránh sai, tránh sót dù là nhỏ nhất. Khiêm tốn là không kiêu ngạo, biết phân biệt rõ được sự khen, sự chê, mà rút kinh nghiệm để tích cực học hỏi, phấn đấu rèn luyện bản thân tốt hơn. Năm đức tính trên là những chuẩn mực tiên quyết để hình thành nên nhân cách người cán bộ kiểm sát, đòi hỏi mỗi cán bộ, kiểm sát viên phải luôn rèn luyện. Ngoài ra, cũng cần cái “tâm” với nghề. “Tâm” với tôi chính là tình yêu nghề, đam mê với nghề để dù công việc có gặp nhiều khó khăn, trắc trở thì bản thân vẫn luôn cố gắng vượt qua mọi thử thách vì đam mê đó, tâm còn là sự tận tâm vì lẽ phải, vì công bằng cho mọi người. Là một cán bộ trẻ mới vào ngành, tôi luôn tự nhủ với bản thân không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, luôn tu dưỡng rèn luyện theo mười chữ vàng Bác Hồ dạy, để góp phần công sức nhỏ bé của mình xây dựng Nghành kiểm sát ngày một vững mạnh và là một cán bộ kiểm sát mẫu mực như lời của bài hát ca ngợi Ngành đầy tự hào:


“Vì bình yên cuộc sống, vì công lý cho đời,
Vì cân bằng cán cân luật pháp,
Là niềm tin, là lẽ sống, là con đường chúng ta đi.
Vinh quang ngành Kiểm sát nhân dân Việt Nam.
Hơn nữa thế kỷ đường dài, dù chông gai, dù bão tố,
Đường ta đi đầy ánh sáng của Đảng quang vinh.
Luôn luôn ghi trong lòng lời thề từ trái tim.
Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng, Khiêm tốn.
Để mãi mãi là niềm tin của nhân dân, vững vàng đi trên con đường…”

 

Nhân dịp Kỷ niệm 60 năm thành lập Ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/2020), tôi xin gửi lời chúc mừng đến các cô chú và các anh chị em đồng nghiệp lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, luôn tận tụy với nghề để cống hiến nhiều hơn nữa cho Ngành kiểm sát nhân dân!

                                                                          

Bài viết: Bùi Ninh


Tin liên quan:

Trang: 1/10
Chuyển đến: